Xử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại trên thị trường gas
Các hình thức gian lận thương mại như sang chiết nạp gas trái phép... ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh gas.
Tại hội thảo “Thách thức và triển vọng thị trường gas” hôm qua (14/11), ông Trần Trọng Hữu, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gas Việt Nam chia sẻ: Tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành của mình tung ra thị trường vẫn nhức nhối, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, Nhà nước thất thu thuế và đặc biệt đó là mầm mống gây ra những vụ tai nạn, cháy nổ gây bất bình trong dư luận xã hội. Trong khi đó, các đối tượng vi phạm không phải chi phí đầu tư vỏ bình, kiểm định, bảo dưỡng, sửa chữa...
“Các hình thức gian lận thương mại này đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh gas. Điển hình là các thương hiệu nổi tiếng như: Shell gas, Total gas, BP gas, Thăng Long gas… đã phải thu gọn lại hoặc rút khỏi Việt Nam do tình trạng gian lận thương mại”, ông Hữu nói.
Trước vấn đề nêu trên, Hiệp hội Gas Việt Nam kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước xem xét bỏ quy định các doanh nghiệp được quyền thuê và cho thuê bình gas; bỏ quy định doanh nghiệp phải có sổ theo dõi bình gas về số lượng, số seri, ngày tháng cung cấp bình cho khách hàng… bởi gây khó khăn cho doanh nghiệp, tốn kém về nhân lực và khó khả thi.
Theo ông Đỗ Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng Phân phối hàng hóa và dịch vụ thương mại, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cách thức tiếp cận, xây dựng văn bản pháp lý quản lý thị trường gas phải theo hướng tháo bỏ ràng buộc trong hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, còn tồn tại một số khó khăn như chi phí kinh doanh mặt hàng này còn cao, đặc biệt là chi phí bán hàng; giá và cơ chế giá còn phụ thuộc vào sự biến động giá trên thế giới; hệ thống phân phối còn thiếu sự gắn kết, nhỏ lẻ; cạnh tranh không lành mạnh…
“Có những kiến nghị hợp lý, tuy nhiên cũng có những kiến nghị cần trao đổi thêm. Cụ thể như câu chuyện về lập sổ theo dõi. Khi đã nới bỏ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thì trách nhiệm của doanh nghiệp đối với những sản phẩm đưa ra thị trường phải rõ ràng vì ngoài quyền lợi doanh nghiệp còn là quyền lợi của người tiêu dùng. Khi sản phẩm được đưa ra thị trường mà doanh nghiệp không quản lý được gây ảnh hưởng đến quyền lợi, tính mạng người tiêu dùng thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, trước tình hình vi phạm của một số cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp sang chiết gas trái phép, ngày 4/10/2017, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 13 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh LPG. Theo đó, giao Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh LPG trên địa bàn. Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, các trạm chiết nạp, kho chứa LPG có dấu hiệu vi phạm. Kiên quyết xóa bỏ các trạm sang chiết trái phép, các điểm kinh doanh chưa được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Sau một năm thực hiện chỉ thị, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra trên 5.000 hộ, xử lý trên 1.300 hộ, thu giữ trên 6.254 chai LPG các loại, xử phạt trên 9,6 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động và tước giấy phép kinh doanh 27 cửa hàng…
“Một số hình thức vi phạm mới đó là các đối tượng đã sử dụng những bãi đất trống, xa khu dân cư, từ các xe bồn chiết nạp vào các chai sau đó đưa đi kinh doanh, tiêu thụ. Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động kinh doanh gas trái phép”, ông Bình cho hay.