XỬ LÝ NGHIÊM HÀNH VI GIẤU BỆNH, TRỐN CÁCH LY

Những ngày qua, đi đến đâu tôi cũng thấy mọi người bàn tán, thể hiện sự bức xúc, lo lắng của mình đối với những hành vi giấu bệnh, trốn cách ly khi dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp. Nào là việc cô gái N.H.N (bệnh nhân 17) ngụ ở Trúc Bạch (Hà Nội) bị nhiễm bệnh mà không trung thực khai báo với cơ quan chức năng, khiến cho bệnh dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Nào là chuyện một chủ doanh nghiệp điện gió ở tỉnh Quảng Trị bay cùng chuyến với người bị nhiễm bệnh nhưng lại cử nhân viên đi cách ly thay mình. Rồi chuyện bà chủ doanh nghiệp (bệnh nhân 34) ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) đi nước ngoài bị nhiễm Covid-19 về lây nhiễm cho 9 người khác...

Chúng ta đều biết rằng Chính phủ cùng các cấp, ngành, địa phương trong cả nước đang dồn sức phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Những nỗ lực ấy đã mang lại kết quả tích cực khi nước ta đã kiểm soát dịch khá tốt và không có trường hợp nào tử vong. 16 ca nhiễm đầu tiên đều được điều trị khỏi và xuất viện, trong đó có cả người nước ngoài. Vùng dịch Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) được cách ly, xử lý rất kịp thời với sự tự giác khai báo của người dân nên dịch bệnh đã được khống chế một cách hiệu quả. Sau 20 ngày cách ly, hiện Sơn Lôi không có thêm ca nhiễm mới và đã chính thức xóa cách ly. Đó không chỉ là sự sáng suốt, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền mà còn do người dân đã trung thực và hợp tác rất có trách nhiệm.

 Ảnh minh họa. TTXVN.

Ảnh minh họa. TTXVN.

Thời gian qua, trong khi dịch Covid-19 đã và đang gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế nước ta, mọi cấp, mọi ngành tập trung cao độ để phòng, chống dịch thì những hành vi thiếu trung thực đã làm cho tình hình phức tạp thêm bội phần. Đó là sự thiếu ý thức trong việc cách ly, khai báo; có tên trong danh sách cách ly tại nhà mà vẫn tự do đi lại nơi công cộng, thậm chí "nhờ" người đi cách ly hộ. Đó không chỉ là hành động thiếu trách nhiệm với cộng đồng mà còn sai quy định, coi thường pháp luật, gây nguy hiểm, đe dọa đến sự an toàn của nhiều người. Ở các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Thuận hay TP Hồ Chí Minh, cuộc sống của người dân bị xáo trộn nhiều vì có những ca nhiễm mới và nguy cơ lây nhiễm cao ở khu dân cư. Những con phố bị cách ly, nhiều người bị cách ly và rất nhiều người phải tham gia phục vụ việc cách ly (trong đó có sự tham gia tích cực của các đơn vị quân đội) với những chi phí khá lớn, cho thấy mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đối với xã hội như thế nào.

“Chống dịch như chống giặc” là khẩu hiệu mà chúng ta đã nói nhiều trong thời gian qua. Khi Chính phủ sẵn sàng hạn chế các lợi ích kinh tế để dành sự ưu tiên cao nhất cho việc ngăn chặn Covid-19, nhằm bảo đảm cuộc sống an toàn cho nhân dân thì bản thân mỗi người dân cũng phải quyết tâm đồng hành, hợp tác để chống dịch. Những hành vi giấu bệnh, trốn cách ly là khó có thể chấp nhận. Trong cuộc họp ngày 9-3 của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải xử lý nghiêm những người giấu bệnh, trốn cách ly. Yêu cầu này xuất phát từ tình hình dịch bệnh, ý thức phòng, chống trên thế giới và tình hình thực tiễn ở trong nước. Chỉ cần một người, một địa phương không trung thực, thiếu sự hợp tác thì dịch bệnh sẽ lây lan theo cấp số nhân.

Phòng, chống dịch Covid-19 hiện đòi hỏi những nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Vì thế, việc không khai báo trung thực, giấu bệnh hay trốn cách ly là đi ngược với sự nỗ lực của toàn xã hội, đi ngược với đạo lý của dân tộc, cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Có như vậy, chúng ta mới quản lý tốt và khống chế, tiến tới dập tắt dịch Covid-19 ở nước ta.

LÊ PHI HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/xu-ly-nghiem-hanh-vi-giau-benh-tron-cach-ly-612316