Xử lý nghiêm, không dung túng
Diễn biến về dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp. Trong khi cả nước đang chung tay phòng, chống dịch bệnh thì không ít đối tượng do hám lời lại có hành vi 'bán rẻ đồng bào' để trục lợi. Điển hình, do khẩu trang khan hiếm, nhiều đối tượng đã lừa đảo mua, bán khẩu trang qua mạng, thậm chí còn sản xuất khẩu trang giả để tung ra thị trường. Những hành vi phạm pháp, hơn cả tội ác cần được ngăn chặn tận gốc.
“Hãm hại” người tiêu dùng
Vụ lừa đảo mua, bán khẩu trang được Công an quận Cầu Giấy làm rõ vào ngày 11/2. Trước đó, Công an quận Cầu Giấy nhận được tin trình báo của chị T. (trú tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy) về việc bị một đối tượng lừa đảo mua bán khẩu trang qua mạng xã hội Facebook. Công an quận Cầu Giấy đã bắt giữ Nguyễn Văn Bắc (sinh năm 1989; trú tại TT Mậu A, Văn Yên, Yên Bái) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt 350 triệu tiền mua khẩu trang.
Tại cơ quan công an, Bắc khai nhận đã dùng tài khoản Facebook nhắn tin và gọi điện mời chào chị T. mua khẩu trang y tế với số lượng lớn. Để tạo niềm tin, Bắc đã chuyển trước cho chị T. một thùng khẩu trang. Sau đó, chị T. đã chuyển 350 triệu vào tài khoản ngân hàng của Bắc để đặt mua 30 thùng khẩu trang. Sau đó, đối tượng đã không gửi hàng và chiếm đoạt số tiền.
Gần đây nhất, ngày 18/2, Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều tra làm rõ và bắt giữ đối tượng Lê Thị Liên (sinh năm 1992 ở xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do cần tiền, Liên đã lập tài khoản Facebook mang tên “Vy Lê” có địa chỉ ở thành phố Đà Nẵng và đưa nội dung thông tin hiện đang có một số lượng lớn khẩu trang y tế cần bán của một nhà máy, ai cần mua bao nhiêu cũng có thể đáp ứng được.
Sau khi Liên đăng tin, chị L.T.M ở phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa đã liên lạc với Liên trên tài khoản Facebook để hỏi mua khẩu trang. Sau khi thống nhất giá cả và số lượng, chị M. 4 lần chuyển hơn 560 triệu đồng vào các tài khoản của Liên để mua 600 thùng khẩu trang y tế. Tuy nhiên, sau khi chờ mãi không thấy hàng gửi về chị M. mới biết mình bị Liên lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo. Với thủ đoạn trên, Liên cũng đã lừa đảo chiếm đoạt gần 40 triệu đồng của một người dân ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Cao Bằng…
Không chỉ lừa bán khẩu trang qua mạng, lợi dụng tình hình dịch bệnh một số cơ sở sản xuất khẩu trang y tế giả với số lượng hàng trăm nghìn chiếc khẩu trang giả, có lõi làm từ giấy vệ sinh đã được tuồn ra thị trường. Tại Hà Nội, lực lượng chức năng đã kiểm tra xưởng sản xuất khẩu trang y tế của công ty TNHH Việt Hàn (ở huyện Thường Tín).
Cơ quan quản lý thị trường phát hiện, khẩu trang sản xuất có 4 lớp, trong đó có 1 lớp giấy kháng khuẩn bắt buộc để ngăn ngừa bụi và vi khuẩn theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế nhưng lại được làm bằng giấy vệ sinh. Công ty này cung cấp ra thị trường loại khẩu trang y tế với lớp kháng khuẩn bằng giấy vệ sinh với thương hiệu “khẩu trang y tế Tulips” và quảng cáo là sản xuất theo công nghệ của Nhật Bản. Cơ sở này cũng đã cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn sản phẩm khẩu trang rởm.
Xử lý nghiêm hành vi phạm pháp
Dư luận vô cùng bức xúc, những hành vi lừa đảo, sản xuất khẩu trang y tế giả còn hơn cả tội ác. Những đối tượng có những hành vi phạm pháp nêu trên sẽ phải chịu hình phạt nghiêm trước pháp luật. Theo luật sư Trịnh Khánh Toàn – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Hành vi lừa đảo mua bán khẩu trang qua mạng đã đáp ứng dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng này đã dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Tùy theo giá trị tài sản các đối tượng đã chiếm đoạt mà có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Cao nhất có thể bị phạt từ 12 đến 20 năm tù giam nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị trên 500 triệu đồng.
Đối với hành vi sản xuất khẩu trang y tế giả: Sản xuất khẩu trang y tế là loại hình kinh doanh có điều kiện, được quy định tại Nghị định 36/2016/NĐ-CP. Theo đó cơ sở sản xuất phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển... Theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 55 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, hành vi sản xuất khẩu trang y tế không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật thì bị xử phạt vi phạm hành chính: Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng, ngoài ra, cơ sở vi phạm còn bị buộc tiêu hủy hoặc tái chế trang thiết bị y tế theo quy định. Nếu hành vi nêu trên đáp ứng đủ yếu tố để xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 15 năm tùy mức độ nghiêm trọng.
Người dân cần tỉnh táo
Hiện nay nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế ngày vẫn đang tăng, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân nên lựa chọn các cơ sở, cửa hàng được cấp phép, có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... Nếu mua hàng online cần cảnh giác, tỉnh táo trước các thông tin trên mạng để tránh bị mắc lừa. Khi mua hàng cần kiểm tra kỹ thông tin các tài khoản, lựa chọn địa chỉ uy tín, có công khai thông tin danh tính người bán rõ ràng, hình thức thanh toán minh bạch.
Nếu thấy thông tin không rõ ràng, mập mờ thì không thực hiện giao dịch. Bên cạnh đó, hạn chế việc chuyển tiền trước để đặt cọc mua hàng mà không rõ thông tin về người bán. Đối với hàng hóa có giá trị cao, nên trực tiếp kiểm tra hàng trước khi đồng ý mua. Nếu không may là nạn nhân của các vụ lừa đảo, người dân nên đến cơ quan Công an để trình báo sự việc.
Về phía Tổng cục Quản lý thị trường, cơ quan này khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội của một số đối tượng nhằm mục đích tạo ra tình trạng khan hiếm giả, phục vụ việc đầu cơ, găm hàng, trục lợi. Người dân nên chọn mua bán các sản phẩm y tế tại các cơ sở, cửa hàng được cấp phép, có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... Nếu người dân phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật tương tự nêu trên, cần báo ngay cho đường dây nóng của Tổng cục hoặc hotline của lực lượng Quản lý thị trường khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Cẩn trọng với thẻ đeo diệt virus
Ngoài hành vi lừa đảo bán khẩu trang qua mạng hay sản xuất khẩu trang giả, gần đây nhiều người quảng cáo bán thẻ đeo diệt virus Corona qua mạng không có nguồn gốc, công dụng mơ hồ. Cụ thể, chiều 19/2, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra một đối tượng có biểu hiện nghi vấn đang chào bán hàng tại cổng chợ thuốc Hapulico. Qua kiểm tra, phát hiện số lượng lớn gần 300 thẻ đeo diệt virus do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm định chất lượng. Đây cũng là sản phẩm đã được nhiều người công khai chào bán trên mạng có tác dụng phòng chống virus Corona. Giá cho loại “thẻ đeo diệt virus” này có mức giá từ 200.000 - 300.000 đồng/sản phẩm. Cơ quan chức năng cho hay: Nhiều gia đình đã đầu tư tiền triệu mua cho những người thân chiếc thẻ để đeo với mong muốn tránh được dịch bệnh COVID-19 trong thời điểm này. Tuy nhiên, theo cảnh báo từ Bộ Y tế, đây chỉ là cách phòng virus Corona mơ hồ từ cư dân mạng. Người dân nên cảnh giác kẻo “tiền mất, tật mang” vì chủ quan khi đeo thẻ mà lơ là phòng bệnh bằng các biện pháp đã được khuyến cáo.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/xu-ly-nghiem-khong-dung-tung-103699.html