Xử lý nghiêm nạn bạo hành phụ nữ, trẻ em
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành phụ nữ, trẻ em ở Tây Ninh, Bình Dương, Tiền Giang, TPHCM… Nạn nhân chính là mẹ, là vợ, là con của kẻ thủ ác; có bà cụ đã 88 tuổi; có cháu bé chỉ mới 4 tháng tuổi.
Nhiều bạn đọc Báo SGGP đã rất bức xúc, lên tiếng đề nghị không dung túng cho nạn bạo hành và cùng thảo luận góp ý các giải pháp ngăn chặn.
Bạo lực gia đình - vết hằn không dễ xóa
Người Việt Nam bao đời nay đã xây dựng nếp sống gia đình hiếu thuận, tương thân tương ái. Pháp luật Việt Nam cũng bảo vệ nền tảng gia đình văn hóa, phòng chống bạo lực gia đình. Vậy mà, trong khi xã hội ngày càng văn minh, hiện đại, nạn bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra, thậm chí có những vụ hành vi rất dã man, tàn ác.
Những kẻ có hành vi bạo lực không phải là số đông trong xã hội, nhưng nạn nhân là người phụ thuộc nên cắn răng cam chịu; láng giềng và người thân của nạn nhân cũng không dám tố cáo. Đáng trách nhất là có khi chính quyền và công an địa phương cũng làm ngơ cho hành vi bạo hành.
Mới đây, một gã côn đồ đã hung hãn đấm đá, tát rất dã man một phụ nữ là vợ hờ trong thang máy chung cư Trung Đông Plaza (quận Tân Phú, TPHCM), chứng cứ camera ghi rõ, vậy mà công an địa phương chỉ xử phạt hành chính, khiến dư luận không thể chấp nhận.
Nạn bạo lực gia đình không phải chỉ là câu chuyện đau buồn dưới mỗi mái nhà, mà còn phá nát truyền thống tốt đẹp của dân tộc bao đời xây dựng. Thật khó để nói lời khuyên nhủ, nhắc nhở những kẻ vi phạm, bởi trong số đó có không ít người có ăn học, có địa vị xã hội, thừa biết đó là hành vi không được phép làm. Vì thế, ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống gia đình văn hóa, giữ gìn truyền thống dân tộc, thì cũng cần nghiêm túc xử lý pháp luật, không dung túng cho những đối tượng vi phạm.
NGUYỄN HIỀN, quận Bình Thạnh, TPHCM
Bỏ quan niệm lạc hậu và thói hành xử vô văn hóa
Kết quả khảo sát hiện trạng gia đình ở nước ta cho thấy, có đến 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết đã từng phải trải qua ít nhất một trong 3 loại bạo hành về thể xác, tình dục, tinh thần. Nguyên nhân chính của bạo lực gia đình là quan niệm chồng chúa vợ tôi, cách ứng xử lạc hậu đã bám sâu vào trong mỗi thế hệ gia đình, trong khi ý thức tuân thủ luật pháp của một bộ phận người dân còn thấp.
Đáng lo ngại là có những đôi bạn trẻ đang trong giai đoạn sống thử, hoặc vừa mới xây dựng gia đình chưa được bao lâu thì đã xảy ra nạn bạo lực gia đình, dẫn đến ly hôn. Lẽ ra lớp trẻ phải là những người có ý thức ứng xử văn minh, tôn trọng phụ nữ, hiểu biết pháp luật. Nhiều kẻ có hành vi mạt sát, đánh đập hành hạ vợ con sau khi nhậu nhẹt, say xỉn, xem bạo hành là quyền của mình, là chuyện thường ngày của gia đình mình.
Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ tháng 7-2008, nhưng đến nay nạn bạo lực gia đình vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, số vụ bị đưa ra xử lý pháp luật còn quá ít so với thực trạng. Nhiều người bị bạo hành vẫn âm thầm chịu đựng, không dám nói ra vì con mà gắng gượng, cam chịu, hoặc lo ảnh hưởng đến cuộc sống, sợ bị mọi người chê cười, đánh giá.
Tâm lý này xuất phát một phần cũng do những định kiến sai lầm trong xã hội tồn tại từ trước đến nay. Bạo lực không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc hôn nhân, mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sự phát triển của những đứa trẻ sinh ra trong chính những gia đình có nạn bạo hành.
Do vậy, vấn nạn bạo lực gia đình chỉ có thể được đẩy lùi bằng cách nâng cao nhận thức, hành động của tất cả mọi người. Nạn nhân bị bạo hành cần mạnh dạn tố cáo để thoát ra. Kẻ quen hành xử bằng bạo lực cần hiểu rằng, phải từ bỏ thói hành xử vô văn hóa đó để không tự phá vỡ chính gia đình mình và không trở thành kẻ côn đồ phạm pháp.
ĐÔNG PHƯƠNG, quận Gò Vấp, TPHCM
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xu-ly-nghiem-nan-bao-hanh-phu-nu-tre-em-649031.html