Xử lý nghiêm, nếu tiếp tục chây ỳ

Không thể phủ nhận lợi ích kinh tế mà các nhà máy thủy điện đã mang lại, nhưng phía sau những 'hào quang' đó, người dân và chính quyền địa phương đang phải gồng mình gánh chịu những hệ lụy vô cùng lớn mà thủy điện để lại. Đó là trường hợp của Dự án thủy điện Đắk U thuộc Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Phú Tân (nay là Công ty cổ phần Đầu tư khai thác thủy điện Đắk U) tại thôn Bù Gia Phúc 2, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập. Sau hơn 1 thập kỷ gây ngập úng hàng chục héc-ta vườn rẫy của người dân, nhưng đến nay vẫn chưa đền bù, hỗ trợ, dù đại diện công ty đã hứa nhiều lần.

Gần 15 năm đi đòi bồi thường, hỗ trợ

Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi có mặt tại vườn điều của gia đình ông Điểu Lố (dân tộc S’tiêng) ở thôn Bù Gia Phúc 2. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, ông Điểu Lố dùng lưới để đánh bắt cá cải thiện bữa ăn gia đình. Ông Điểu Lố cho biết, khu vực đang thả lưới trước kia là rẫy điều và hồ tiêu rộng gần 1 ha của gia đình. Từ khi có Nhà máy thủy điện Đắk U, diện tích này thường xuyên bị ngập nên cây điều, hồ tiêu chết dần, chết mòn theo từng năm. Để lấp khoảng trống, hằng năm gia đình trồng dặm thêm điều, sầu riêng. Tuy nhiên, mùa mưa nước ngập cao gần cả mét nên sầu riêng, điều bị thối rễ, chết sạch. Nước ngập kéo dài không cây nào sống được.

Sau trận mưa, ông Điểu Lố ở thôn Bù Gia Phúc 2 tranh thủ dùng lưới để đánh bắt cá ngay dưới vườn điều bị ngập úng của gia đình

Sau trận mưa, ông Điểu Lố ở thôn Bù Gia Phúc 2 tranh thủ dùng lưới để đánh bắt cá ngay dưới vườn điều bị ngập úng của gia đình

“Chúng tôi đã phản ánh vụ việc lên các cấp chính quyền yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư khai thác thủy điện Đắk U bồi thường thiệt hại cho người dân. Nhưng gần 15 năm rồi, vụ việc vẫn chưa được xử lý. Tôi hy vọng, cơ quan chức năng có giải pháp quyết liệt hơn để chủ đầu tư sớm bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Bà con ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc S’tiêng, kinh tế phụ thuộc vào vườn rẫy nên cuộc sống rất khó khăn” - ông Điểu Lố kỳ vọng.

Cách đó không xa, vườn điều và cà phê trước kia của gia đình bà Điểu Thị De (dân tộc S’tiêng) nay trở thành bãi đất hoang, cỏ dại mọc um tùm. Đứng bên gốc điều chết khô từ nhiều năm trước, bà De cho biết: Từ năm 2008, vườn điều và cà phê của gia đình bị ngập úng, có nơi nước ngập sâu gần 2m nên ngoài cỏ dại không cây nào sống được. Đặc biệt, không có đất canh tác, không được bồi thường khiến đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong các cấp chính quyền sớm có giải pháp hỗ trợ người dân.

Đứng bên gốc điều chết khô từ nhiều năm trước, bà Thị De tiếc nuối chỉ tay về phía diện tích đất vườn của gia đình bị ngập úng, cỏ dại mọc um tùm

Đứng bên gốc điều chết khô từ nhiều năm trước, bà Thị De tiếc nuối chỉ tay về phía diện tích đất vườn của gia đình bị ngập úng, cỏ dại mọc um tùm

Hộ ông Điểu Lố và bà Điểu Thị De là 2 trong 18 hộ dân thuộc thôn Bù Gia Phúc 2, xã Phú Nghĩa có vườn rẫy thường xuyên bị ngập úng kể từ khi Thủy điện Đắk U hoạt động. Theo thống kê sơ bộ, diện tích bị ảnh hưởng của các hộ dân khoảng 17 ha. Điều đáng nói, trước đó Công ty cổ phần Đầu tư khai thác thủy điện Đắk U đã nhiều lần hứa, cam kết bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Nhưng đến nay đã gần 15 năm, người dân vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ, bồi thường.

Năm lần bảy lượt “hứa lèo”

Trước tình trạng Nhà máy thủy điện Đắk U gây ngập lụt phát sinh, làm ảnh hưởng đến đất canh tác của người dân, UBND huyện Bù Gia Mập đã có nhiều văn bản và làm việc trực tiếp với công ty đề nghị sớm thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất, cây trồng, vật kiến trúc cho các hộ dân. Công ty cổ phần Đầu tư khai thác thủy điện Đắk U cũng đã nhiều lần hứa giải quyết dứt điểm vụ việc. Ngày 27-8-2021, công ty cam kết ngay sau khi dịch Covid-19 tại địa phương được kiểm soát, các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ, công ty sẽ triển khai ngay các biện pháp cần thiết để thực hiện đền bù hỗ trợ cho người dân...

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thấy phía công ty vẫn “án binh bất động” nên ngày 11-7-2022, UBND huyện Bù Gia Mập tiếp tục có công văn đề nghị công ty cung cấp hồ sơ và phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ các hộ dân. Đến ngày 9-11-2022, tại buổi làm việc với UBND huyện, phía công ty cam kết sẽ thực hiện việc thảo luận bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân trước ngày 30-11-2022. Tuy nhiên đến thời hạn, phía công ty vẫn không thực hiện theo cam kết.

Do vụ việc kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong nhân dân, tháng 9-2023, UBND huyện Bù Gia Mập đã có báo cáo đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo giải quyết vụ việc. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan và thống nhất yêu cầu công ty nhanh chóng thực hiện thỏa thuận, bồi thường với các hộ dân. Trong đó lưu ý thời gian giải quyết chậm nhất là tháng 11-2023. Nếu quá thời hạn, công ty không thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định.

Dù đã làm việc với cơ quan chức năng nhiều lần, công ty cũng đã hứa, cam kết nhưng vẫn không thực hiện bồi thường, hỗ trợ người dân. Trước việc Công ty cổ phần Đầu tư khai thác thủy điện Đắk U thiếu thiện chí, thậm chí chây ỳ giải quyết vụ việc, gây bức xúc trong nhân dân, ngày 17-7-2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi đã làm việc với công ty để xem xét phương án giải quyết. 2 ngày sau buổi làm việc, UBND tỉnh ban hành thông báo Kết luận số 223 yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư khai thác thủy điện Đắk U hoàn thành việc bồi thường thiệt hại trong tháng 9-2024.

Tại buổi tiếp công dân định kỳ của Bí thư Tỉnh ủy tháng 8 vừa qua, đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết, đây là vụ việc nổi cộm trên địa bàn huyện Bù Gia Mập mà dư luận đang rất quan tâm. Vụ việc kéo dài nhiều năm, UBND huyện Bù Gia Mập đã xin chủ trương chỉ đạo, xử lý của UBND tỉnh nhiều lần nhưng đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư khai thác thủy điện Đắk U vẫn không thực hiện chi trả bồi thường cho người dân. Do đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy kiến nghị Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc công ty phải hoàn thành việc chi trả đền bù, hỗ trợ người dân chậm nhất trong tháng 9-2024, nếu không sẽ xử lý theo quy định.

Có mặt tại buổi tiếp công dân của Bí thư Tỉnh ủy, ông Trần Thế Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư khai thác thủy điện Đắk U khẳng định: Cùng với phát triển kinh doanh, đơn vị luôn chú trọng việc chăm lo, nâng cao đời sống người dân tại địa bàn đứng chân. Do đó, phía công ty sẵn sàng bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng khi các thủ tục, hồ sơ hoàn tất.

“Do công ty được mua lại từ năm 2019, vì thế, để đền bù, hỗ trợ người dân, đơn vị cần có thời gian tiến hành đo đạc, thống nhất diện tích, số hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ cung cấp đơn giá nhà nước để công ty có phương án hỗ trợ phù hợp với giá thị trường” - ông Sơn cho biết.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, phía công ty vẫn chưa tiến hành kiểm kê, đo đạc thống nhất diện tích, khảo sát đơn giá… Do đó, để hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ người dân trong tháng 9 là điều không thể. Rất mong ngành chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục đôn đốc để giải quyết dứt điểm vụ việc, thậm chí xử lý nghiêm, nếu doanh nghiệp tiếp tục chây ỳ.

Công ty cổ phần Đầu tư khai thác thủy điện Đắk U được UBND tỉnh Bình Phước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN 359612 ngày 16-10-2008, số BD 752390 ngày 28-7-2011 và bắt đầu vận hành tháng 12-2009. Trong quá trình vận hành đã gây ngập phát sinh làm ảnh hưởng diện tích đất canh tác của 18 hộ dân thôn Bù Gia Phúc 2, xã Phú Nghĩa, với tổng diện tích đất bị ngập úng hơn 17 ha. Đến nay, dù đã vận hành nhiều năm nhưng công ty vẫn chưa thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, gây bức xúc cho các hộ dân.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/162546/xu-ly-nghiem-neu-tiep-tuc-chay-y