Xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn còn hạn chế, vướng mắc. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng 2024.

Nhìn lại kết quả 1 năm qua cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương. Nhiều quy định mới về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được ban hành và quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ, lãnh đạo quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý, phụ trách, vi phạm trách nhiệm nêu gương và những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm. Kết quả xử lý phòng, chống tham nhũng tiêu cực được dư luận và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút. Đồng thời kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý. Năm 2024 có 38 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó: 14 người bị khiển trách, 13 người bị cảnh cáo, 11 người bị cách chức.

Các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những biện pháp để phòng ngừa tham nhũng. Qua xác minh có 19 người bị kết luận không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức… Trong khi đó, năm 2023, có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Việc phát hiện số người vi phạm quy định về kê khai tài sản, thu nhập giảm so với năm trước có thể là một tín hiệu đáng mừng. Điều đó cho thấy cán bộ, công chức thuộc đối tượng kê khai đã chấp hành nghiêm chỉnh quy định về kê khai tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, từ thực tế xử lý các vụ án tham nhũng vừa qua cho thấy, không ít trường hợp sau khi cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc thì khối tài sản mà các đối tượng không kê khai, không rõ nguồn gốc là rất lớn. Do đó, 19 trường hợp bị xác định là kê khai không trung thực này chưa tương xứng với tình hình thực tế. Bởi, qua phản ánh của dư luận, cử tri cho thấy tình trạng kê khai tài sản, thu nhập không trung thực diễn ra còn nhiều. Do đó, cần có biện pháp hữu hiệu hơn nữa trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối với các trường hợp phải kê khai.

Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng thì phòng luôn có vai trò quan trọng. Trong khi đó, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ. Đáng nói là, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa thực chất; vẫn để xảy ra một số vụ tham nhũng, tiêu cực lớn, gây bức xúc trong dư luận.

Những tồn tại, vướng mắc này không mới. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó có vai trò của người đứng đầu trong thực hiện công tác này cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng để khắc phục lỗ hổng, bất cập trong cơ chế chính sách pháp luật để ngăn ngừa các đối tượng trục lợi. Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nhất là trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý tình trạng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đặc biệt, xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Có như vậy, mới khắc phục tình trạng “kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa thực chất”.

Lê Hùng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/xu-ly-nghiem-nguoi-dung-dau-de-xay-ra-tham-nhung-i387568/