Xử lý nghiêm người giao mô tô, xe gắn máy cho người chưa đủ điều kiện điều khiển
Điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ các điều kiện theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, người giao mô tô, xe gắn máy cho người chưa đủ điều kiện điều khiển cũng là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý hình sự nếu xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng.
Dù năm nay mới 16 tuổi nhưng T.V.C., học sinh lớp 9 đã chở bạn trên xe mô tô 110 cm3, cả hai không đội mũ bảo hiểm. Khi hỏi ai giao xe cho sử dụng, C. hồn nhiên trả lời: "Nhà cháu gần đây, bố mẹ cháu giao xe cho cháu đi đổ xăng!".
Chưa có giấy phép lái xe mô tô hạng A1 nhưng em N.V.T., học sinh lớp 11 đã chở bạn đi học bằng xe mô tô có dung tích xi lanh 110 cm3. Vì để "lách" các quy định cấm của nhà trường, nên hằng ngày, T. để xe ở các nhà dân ven đường. Em N.V.T. cho biết: "Tuy chưa có giấy phép lái xe nhưng do nhà cách trường gần 10 km nên cháu sử dụng xe máy để đi học".
C. và T. là 2 trong số rất nhiều trường hợp chưa đủ điều kiện thi bằng A1, đương nhiên không đủ điều kiện điều khiển xe mô tô theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà hằng ngày C. và T. vẫn “cưỡi ngựa sắt” tham gia giao thông trên những cung đường.
Do hạn chế kiến thức hiểu biết pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng điều khiển xe mô tô, nên khi gặp những tình huống bất ngờ, thanh thiếu niên rất khó xử lý và rất dễ xảy ra tai nạn.
Dù bằng bất kỳ cách nào mà những thanh thiếu niên chưa đủ điều kiện vẫn có xe mô tô để tham gia giao thông thì trách nhiệm trước tiên vẫn thuộc về cha mẹ và người thân trong gia đình. Nếu cha mẹ chủ động giao xe mô tô cho con em khi chưa đủ điều kiện điều khiển thì đây là sự thiếu hiểu biết pháp luật, nuông chiều quá mức.
Trong trường hợp các con tự ý lấy mô tô khi chưa được cho phép, cho thấy việc quản lý phương tiện của gia đình rất lỏng lẻo, vô tình tiếp tay cho con em vi phạm pháp luật.
Dù trong bất kỳ tình huống nào, khi xảy ra tai nạn, người chịu thiệt thòi, mất mát lớn nhất chính là các nạn nhân, cha mẹ và những người thân.
Xử lý hình sự người có liên quan nếu đủ căn cứ
Khoảng 15 giờ 45 phút, ngày 14/2, tại Km261+700, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, vị trí thuộc địa phận phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, khiến 4 người tử vong.
Đây là vụ tai nạn vô cùng thương tâm, một lúc cướp đi sinh mạng của 4 thanh thiếu niên, trong đó 2 nạn nhân còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Căn cứ kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, tình trạng kỹ thuật xe ô tô, trích xuất dữ liệu từ camera giám sát hành trình và tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ khác; ngày 16/2/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 Bộ luật hình sự để tiến hành điều tra làm rõ.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tiếp tục thu thập tài liệu chứng cứ.
Qua rà soát, 4 trường hợp tử vong đều được tuyên truyền và trực tiếp ký cam kết hoặc thông qua đại diện gia đình ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Qua đây cho thấy, công tác phối hợp quản lý giữa gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đang có khoảng trống rất lớn. Việc quản lý, sử dụng phương tiện giao thông cá nhân của người dân còn chưa chặt chẽ, khoa học.
Đại tá Phạm Gia Chiến, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý học sinh, thanh thiếu niên điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ điều kiện. Quá trình xử lý đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng là phụ huynh và người lớn tuổi đã có hành vi giao phương tiện cho học sinh, thanh thiếu niên điều khiển khi chưa đủ điều kiện. Trong trường hợp lỗi vi phạm nhẹ, chúng tôi sẽ phối hợp với khu dân cư, cơ quan tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm điểm và xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt nghiêm khắc.
Để giảm thiểu tai nạn giao thông ở lứa tuổi thanh thiếu niên, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tuân thủ nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, chương trình của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho các đối tượng là học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên. Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm, quản lý chặt chẽ phương tiện giao thông của các bậc cha mẹ, gia đình thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.