Xử lý nghiêm người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật
Không phải đến những ngày gần đây, khi vụ việc gần 600 mặt hàng sữa giả bị công an phát hiện, xử lý thì vai trò 'tiếp tay' tiêu thụ của những người nổi tiếng qua hoạt động quảng cáo lại bị dư luận lên án gay gắt. Trước đó, đã có không ít những lùm xùm về hoạt động này, làm đổ vỡ tình cảm và niềm tin của công chúng đối với họ.

Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs bán hàng livestream quảng cáo sản phẩm giả. (Ảnh: nhandan.vn)
Nhiều năm qua, việc quảng cáo trên mạng xã hội của doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh nở rộ cùng sự xuất hiện của KOLs (những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên không gian mạng như nghệ sĩ, blogger, TikToker...).
Những đối tượng này đã lợi dụng hình ảnh cá nhân và tình cảm của người tiêu dùng, trong đó có lượng người hâm mộ đông đảo, để dễ dàng kiếm được nhiều tiền, mức thù lao có khi lên tới vài trăm triệu đồng. Vì thế nhiều người đã sẵn sàng đánh đổi uy tín, danh tiếng để quảng cáo cho những sản phẩm mà có lẽ chính họ cũng chưa sử dụng, chưa biết rõ chất lượng nhưng vẫn “thổi phồng” theo đặt hàng; thậm chí còn là hàng giả, ảnh hưởng lớn tới quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Cách đây hơn một năm, Sở Y tế Hà Nội từng xử phạt vi phạm hành chính về quảng cáo sai với công dụng sản phẩm đối với sản phẩm sữa Hiup của Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ Alama Việt Nam; có sự tham gia của nhiều gương mặt diễn viên, người mẫu, biên tập viên và MC truyền hình quen thuộc.
Hiện nay, trong số gần 600 loại sữa bị lực lượng chức năng xác định là hàng giả, có nhiều loại dành cho người bị suy thận, tiểu đường, trẻ sinh non thiếu tháng và cả phụ nữ đang mang thai. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm trong số hàng giả này từng được KOLs tham gia quảng cáo trên mạng xã hội và được người tiêu dùng sử dụng rộng rãi...
Mới đây nhất, ngày 4/4, Nguyễn Thị Thái Hằng (tức Hằng Du Mục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt); Phạm Quang Linh (tức Quang Linh Vlogs, thành viên HĐQT công ty) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội Lừa dối khách hàng theo Khoản 2, Điều 198 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, từ tháng 12/2024 đến tháng 3/2025, các đối tượng nêu trên cùng Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã thực hiện nhiều phiên livestream trên mạng xã hội, quảng cáo sản phẩm kẹo rau củ Kera của Công ty CER (thành phố Thủ Đức) để bán ra thị trường hơn 135.000 hộp; ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Các đối tượng Phạm Quang Linh và Nguyễn Thị Thái Hằng bị phạt 70 triệu đồng mỗi cá nhân, Hoa hậu Thùy Tiên bị phạt 25 triệu đồng và họ buộc phải cải chính thông tin vi phạm.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi quảng cáo sai sự thật bị xử phạt hành chính mức tối đa là 80 triệu đồng với cá nhân và 160 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài bị phạt tiền, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật còn phải chấp hành một số yêu cầu khác như buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in quảng cáo; cải chính thông tin sai sự thật...
Thậm chí, hành vi quảng cáo gian dối gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm theo quy định của pháp luật.
Với những người nổi tiếng, nhất là giới nghệ sĩ, danh tiếng, hình ảnh không dễ dàng có thể xây dựng, và một lời xin lỗi cũng không đủ khôi phục niềm tin của công chúng. Vì vậy, bản thân họ cần nâng cao ý thức, giữ gìn trước những cám dỗ lợi ích để không bán chữ “tín”.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật có thể bị hạn chế hoạt động nghệ thuật hoặc xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội. Bộ đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Mức xử phạt dự kiến tăng nặng hơn, nhất là sẽ có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng.
Ngày 15/4 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) yêu cầu xử lý một số người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu vi phạm...
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, siết chặt hơn nữa hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, có chế tài xử phạt nghiêm với các hành vi tiếp tay cho quảng cáo sai sự thật, tiêu thụ hàng giả. Việc tăng cường quản lý người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm cũng chính nhằm bảo vệ người tiêu dùng, góp phần xây dựng một thị trường quảng cáo lành mạnh và để người nổi tiếng có ý thức, trách nhiệm hơn với những hành vi của mình trong cộng đồng.