Xử lý nghiêm những trường hợp giả danh, lợi dụng uy tín của quân đội để trục lợi

Lợi dụng uy tín, sự tin yêu của người dân đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, nhiều đối tượng đã giả danh quân nhân hòng lừa đảo để trục lợi. Hành vi này cần phải xử lý nghiêm khắc để tăng tính giáo dục, răn đe, tránh làm ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của quân đội.

Muôn kiểu giả danh, mạo danh để lừa đảo

Mới đây, ngày 16-8-2019, qua xác minh, điều tra theo nguồn tin của người dân, Cục Bảo vệ an ninh quân đội (Tổng cục Chính trị) phối hợp với Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103 (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội), kiểm tra một phụ nữ mặc quân phục với quân hàm thượng tá, mang biển tên Nguyễn Trần Vân Anh, sau khi đối tượng này nhận 50 triệu đồng của một người dân tại nhà hàng trên đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Kiểm tra bước đầu, đối tượng không xuất trình được giấy tờ gì liên quan đến quân đội. Tại trụ sở Công an phường Yên Hòa, đối tượng khai tên là Lê Thị Phương, sinh năm 1985 tại thôn Bối Lim, xã Định Tường (Yên Định, Thanh Hóa). Bộ quân phục cùng quân hàm, biển tên, phù hiệu binh chủng mua tại một địa điểm ở TP Hà Nội và được Phương sử dụng khoảng 10 lần, trong đó có mục đích lừa đảo nhận tiền để chạy việc.

 Đối tượng Lê Thị Phương tại trụ sở công an phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Đối tượng Lê Thị Phương tại trụ sở công an phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Trước đó, ngày 29-5-2019, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh Thái Bình) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Hòa Bình (sinh năm 1954, quê xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại khoản 2, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Quá trình sinh sống với một phụ nữ tại xã Đông Cường (Đông Hưng, Thái Bình), Nguyễn Hòa Bình thường xuất hiện với quân phục gắn quân hàm thượng tá và giới thiệu làm việc liên quan đến công tác tuyển sinh, có mối quan hệ với các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng nên có thể xin được việc làm biên chế trong quân đội. Do tin tưởng, nhiều người trong và ngoài tỉnh Thái Bình đã đưa hồ sơ và tiền cho Bình để xin học, xin việc làm, chạy chế độ liên quan đến quân nhân. Từ tháng 12-2015, Nguyễn Hòa Bình đã nhận tổng số tiền hơn 141 triệu đồng của 5 bị hại ở các huyện: Quỳnh Phụ, Thái Thụy (Thái Bình) và một bị hại tại TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), sau đó sử dụng chi tiêu cá nhân.

Vào tháng 8-2018, qua phản ánh của người dân, Cục Bảo vệ an ninh quân đội cũng làm rõ việc ông Nguyễn Ngọc Luân (sinh năm 1942, quê xã Hà Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; trú tại số 8, Tô Hiệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, TP Hà Nội) mạo nhận là đại tá, giáo sư, tiến sĩ quân đội; lợi dụng hình ảnh, uy tín của một số đồng chí nguyên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội để vận động, lôi kéo nhiều người tham gia cái gọi là “Ban liên lạc Người có công Việt Nam”. Sau khi bị phanh phui, ông Luân xin rút không triển khai các hoạt động của tổ chức trên.

Vào ngày 23-4-2018, Cục Bảo vệ an ninh quân đội phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Bắc Ninh) triệu tập 4 đối tượng, gồm: Tô Tiến Thịnh (sinh năm 1993, quê xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình); Trần Thị Diệp (sinh năm 1993, quê xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang); Đinh Thị Nhụy (sinh năm 1982, quê xã Bằng An, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh); Nguyễn Thị Tình (sinh năm 1998, quê xã An Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận tự giới thiệu mình là bác sĩ đa khoa của Viện Y học Cổ truyền Quân đội và Học viện Quân y; sử dụng những hình ảnh lấy trên trang web của hai đơn vị đăng trên Facebook nhằm tạo lòng tin, bán thuốc online. Các đối tượng cũng khai nhận mua thuốc của hai đơn vị trên với giá từ 90.000 đồng đến 160.000 đồng và bán cho người bệnh với giá từ 350.000 đồng đến 500.000 đồng. Từ tháng 1-2018 đến khi bị phát hiện, nhóm đối tượng này đã bán khoảng 180 đơn hàng, với số lượng thuốc bán ra khoảng 500 hộp, thu lợi bất chính hơn 150 triệu đồng.

Tăng mức xử phạt để răn đe, phòng ngừa vi phạm

Trao đổi với phóng viên Báo QĐND, Đại tá Dương Văn Hiệp, Đoàn trưởng Đoàn An ninh 1, Cục Bảo vệ an ninh quân đội, cho biết: “Các đối tượng giả danh, mạo danh quân nhân thường lợi dụng uy tín, sự tin yêu của người dân đối với cán bộ, chiến sĩ trong QĐND Việt Nam để tạo lòng tin, lừa đảo người dân. Chúng thường khoe mẽ quen biết nhiều lãnh đạo ở Trung ương, địa phương, chỉ huy trong quân đội và có khả năng xin biên chế, việc làm, dự án… Theo đó, trước những đối tượng có biểu hiện như trên, người dân phải hết sức cảnh giác và cần báo cho cơ quan quân sự địa phương, cơ quan bảo vệ pháp luật của quân đội hoặc cơ quan công an nơi gần nhất”.

Đồng tình với quan điểm trên, theo luật sư Lê Văn Lên, Giám đốc Hãng luật Capital, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh: Hiện nay, việc mua bán, quản lý, sử dụng quân trang khá dễ dàng, lỏng lẻo; hình phạt đối với loại tội phạm này còn nhẹ nên chưa tạo được tính răn đe cao. Cụ thể, theo quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì mức phạt cao nhất đối với tội “giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác” là 2 năm tù; nếu hành vi giả mạo để thực hiện các hành vi phạm tội khác, như “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì sẽ chịu trách nhiệm hình sự về tội đó. Nhưng nguy hiểm hơn, hành vi “giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác” còn làm giảm sút niềm tin của người dân đối với uy tín của cơ quan Nhà nước, quân đội. Đánh giá về mức độ thiệt hại này thì mức hình phạt tối đa 2 năm tù là quá nhẹ.

Từ phân tích trên, luật sư Lê Văn Lên kiến nghị: “Cần sửa đổi, tăng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép và đặc biệt là sản xuất hàng giả/hàng nhái đối với quân tư trang của QĐND Việt Nam được quy định tại Điều 10 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP. Về xử lý hình sự: Cần tăng mức hình phạt lên cao hơn chứ không thể là 2 năm đối với hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác, nhằm tăng tính răn đe đối với loại tội phạm này. Trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán quân trang, quân dụng với số lượng lớn, thu lợi bất chính hoặc đã bị xử phạt hành chính, hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 190 và Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác đối với những đối tượng tự giới thiệu mình là quân nhân; nếu không quen biết, nắm rõ nhân thân thì phải yêu cầu xem chứng minh thư quân đội, giấy giới thiệu của đơn vị về địa phương công tác… Ngoài ra, Cục Bảo vệ an ninh quân đội, cơ quan quân sự cấp huyện, cấp tỉnh nên có số điện thoại đường dây nóng và công khai để người dân thuận tiện phản ánh, cung cấp thông tin khi thấy có đối tượng khả nghi”.

ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/xu-ly-nghiem-nhung-truong-hop-gia-danh-loi-dung-uy-tin-cua-quan-doi-de-truc-loi-591357