Xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành cách ly

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Để kiểm soát các ca mắc, Bộ Y tế nhấn mạnh đến vấn đề cách ly và coi đó là biện pháp quan trọng giúp khống chế dịch, không để dịch lây lan trong cộng đồng. Với những trường hợp không chấp hành cách ly, đề nghị thanh tra y tế các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm.

Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam cũng như trên thế giới thì biện pháp cách ly kịp thời giúp phát hiện, khoanh vùng, ngăn chặn dịch xâm nhập, tiến tới dập tắt dịch này. Tuy nhiên, việc cách ly còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức tự nguyện cách ly của người dân, ý thức với chính bản thân mình, với gia đình và cộng đồng xung quanh.

Thực tế hiện nay có một số trường hợp cá biệt tuy đã được xác định thuộc đối tượng phải cách ly y tế để phòng chống dịch Covid-19, nhưng vẫn không tuân thủ quy định này. Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, việc không tuân thủ cách ly đều là những hành vi ích kỷ, chỉ tính đến lợi ích của cá nhân, của bản thân mình mà không tính tới lợi ích về sức khỏe, tính mạng của cộng đồng thì cần phải lên án mạnh mẽ.

Theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, ban hành ngày 14-11-2013 có quy định các trường hợp né tránh cách ly, làm lây lan dịch gây bức xúc cho xã hội, ảnh hưởng đến người dân phải bị xử lý. Nếu các hành vi vi phạm ở mức độ nhẹ thì xử lý vi phạm hành chính. Còn ở mức độ nặng hơn tùy theo tính chất mức độ thì xử lý hình sự.

Cụ thể, đối với các hành vi như không thực hiện khai báo kiểm dịch y tế biên giới hay che giấu tình trạng bệnh tật của mình hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch như Covid-19 thì sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Đối với các hành vi từ chối hay trốn tránh việc áp dụng cách ly y tế thì sẽ bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.

Đặc biệt, đối với các hành vi nêu trên mà gây hậu quả, làm lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.

"Đối với tội này ở các mức độ khác nhau thì có thể phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm cho đến 5 năm. Ngoài ra, các hành vi như vậy mà làm thiệt hại tới cộng đồng, như buộc cả khu dân cư phải cách ly hay dừng lại tất cả các hoạt động gây tổn hại đến kinh tế thì cũng có thể xem xét đến việc bồi thường thiệt hại theo quy định", ông Nguyễn Huy Quang nói.

Căn cứ pháp lý của việc xử phạt đã quy định rõ trong Nghị định 176 và mục đích của việc xử phạt nhằm nâng cao nhận thức xã hội và bảo vệ sự an toàn của người dân trước dịch bệnh. Tuy nhiên, từ đầu vụ dịch Covid-19 đến nay, có khoảng 350 người bị phạt do đưa tin sai trên mạng xã hội mang tính chất xuyên tạc, gây hoang mang, rối loạn xã hội. Hành vi đưa tin sai bị phạt là xác đáng vì gây hoang mang, rối loạn xã hội.

Thế nhưng, hành vi tránh cách ly thì chưa có ai bị phạt ngoài biện pháp cưỡng chế cách ly. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Y tế cũng đề nghị thanh tra y tế tại các tỉnh, thành phố có biện pháp lập biên bản và xử lý nghiêm minh những trường hợp này. Có như vậy mới bảo đảm được yếu tố giáo dục, thuyết phục, yếu tố răn đe... Mục đích của việc xử phạt nhằm nâng cao nhận thức xã hội và bảo vệ sự an toàn của người dân trước dịch bệnh.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/961626/xu-ly-nghiem-nhung-truong-hop-khong-chap-hanh-cach-ly