Xử lý nghiêm quân nhân đào ngũ

Từ năm 2020 đến nay, tại các đơn vị thuộc Quân khu 5, Quân đoàn 3 có một số quân nhân đào ngũ bị đưa ra xét xử lưu động và phải nhận mức án thích đáng. Việc xét xử công khai, nghiêm minh, kịp thời đã tạo tính răn đe, giáo dục cao, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật của mỗi quân nhân.

Những mức án nghiêm khắc

Đầu năm 2022, Ngô Tấn Đường trú tại xã Bình Trung, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) nhập ngũ, về công tác tại Tiểu đội 4, Trung đội 6, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 7 (Quân đoàn 3). Ngày 9-3-2022, Đường tự ý rời bỏ đơn vị về nhà. Bị kỷ luật khiển trách vì hành vi vắng mặt trái phép, nhưng chỉ 3 tuần sau, Đường vẫn tiếp tục bỏ trốn. Chỉ đến khi cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy nã về tội “đào ngũ” thì Đường mới đến Công an thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) đầu thú. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, Ngô Tấn Đường thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Căn cứ các chứng cứ thu thập được, quan điểm của kiểm sát viên, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Ngô Tấn Đường 23 tháng tù giam về tội đào ngũ theo khoản 1, Điều 402 Bộ luật Hình sự.

Tháng 10-2022, trong phiên tòa sơ thẩm, xét xử lưu động, công khai, Tòa án Quân sự khu vực 2 Quân khu 5 đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Nam Quốc Đoan, trú tại xã Tân Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 95, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) 22 tháng tù giam về tội đào ngũ. Theo cáo trạng, tháng 3-2022, trong thời gian huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn 9, Nguyễn Nam Quốc Đoan đã có hành vi đào ngũ. Được cấp ủy, chỉ huy đơn vị nhiều lần giáo dục, động viên, nhắc nhở, nhưng Đoan vẫn cố tình vi phạm, cương quyết không trở về đơn vị. Hành vi của bị cáo Đoan thể hiện ý thức coi thường pháp luật, kỷ luật Quân đội; không nhận thức được quyền và nghĩa vụ của công dân, làm ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và hình ảnh của người quân nhân cách mạng.

Tháng 3-2023, Tòa án Quân sự khu vực 1 Quân khu 5 tổ chức xét xử lưu động sơ thẩm bị cáo Phạm Duy Phát về tội đào ngũ.

Tháng 3-2023, Tòa án Quân sự khu vực 1 Quân khu 5 tổ chức xét xử lưu động sơ thẩm bị cáo Phạm Duy Phát về tội đào ngũ.

Cũng vì thiếu ý thức tự giác, vô tổ chức, vô kỷ luật, ngại tu dưỡng, rèn luyện, phạm tội đào ngũ, vừa qua, Binh nhất Nguyễn Phong Quý, chiến sĩ Tiểu đội nấu ăn (Ban Tham mưu, Trung đoàn 143, Sư đoàn 315); Binh nhì Lê Văn Phong, chiến sĩ Kế toán pháo binh (Trung đội chỉ huy, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo binh 572); Binh nhì Phạm Duy Phát, chiến sĩ Tiểu đội 5 (Trung đội 5, Đại đội 6, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2) thuộc Quân khu 5 và một số bị can khác đã phải đứng trước vành móng ngựa, chịu mức án 22-24 tháng tù giam.

Tăng cường giáo dục, quản lý

Về nguyên nhân của các vụ đào ngũ, theo đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 5, trước hết là do tác động của mặt trái cơ chế thị trường; sự phát triển của mạng xã hội, các sản phẩm văn hóa không lành mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng, hành vi của một bộ phận thanh niên. Bên cạnh đó, hoàn cảnh gia đình, đời sống của một bộ phận hạ sĩ quan, chiến sĩ còn khó khăn; các đơn vị đóng quân trên địa bàn rộng, phân tán, nhỏ lẻ, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện bộ đội... Đặc biệt, cấp ủy, chỉ huy một số đơn vị, nhất là ở cơ sở nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện bộ đội. Việc quán triệt chỉ thị, mệnh lệnh, nghị quyết và các văn bản về xây dựng nền nếp chính quy, quản lý, duy trì kỷ luật nhiều lúc chưa nghiêm túc, triệt để; chưa làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý, giáo dục quân nhân thuộc quyền. Việc thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, báo cáo chưa nghiêm, còn tình trạng bao che, giấu giếm khuyết điểm. Ý thức tự giác của một số cán bộ, chiến sĩ trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội còn hạn chế. Ngoài ra, việc phối hợp giữa đơn vị với địa phương và gia đình, đoàn thể để quản lý, giáo dục quân nhân chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp...

Từ thực tế công tác, Trung tá Phạm Lê Văn, Chính ủy Trung đoàn 95 (Sư đoàn 2) cho biết: “Để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật, kỷ luật, trong đó có hành vi đào, bỏ ngũ, vắng mặt trái phép, thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy đơn vị thường xuyên tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền, quán triệt đến chiến sĩ thuộc quyền hiểu rõ việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nghĩa vụ vẻ vang của công dân do Hiến pháp, Luật Nghĩa vụ quân sự quy định. Đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý bộ đội; kết hợp chặt chẽ với địa phương, gia đình tổ chức nắm chắc tình hình tư tưởng, chú trọng các trường hợp có biểu hiện bất thường về tình cảm, tâm lý, dễ dẫn đến đào ngũ. Khi có quân nhân đào ngũ, trên cơ sở tính chất, mức độ vi phạm, đơn vị sẽ xử lý kỷ luật theo đúng quy định và thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa hành vi tương tự xảy ra”.

Bài và ảnh: MINH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/xu-ly-nghiem-quan-nhan-dao-ngu-727872