Xử lý nghiêm tiêu cực trong đăng kiểm
Liên tiếp đưa ra các quy định siết chặt các quy trình đăng kiểm, nâng cao đạo đức, trách nhiệm của các đăng kiểm viên, thế nhưng dường như công tác ngăn tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn còn khó khăn. Giữa tháng 10 vừa qua, toàn bộ Trung tâm đăng kiểm 66-02D tại Đồng Tháp phải tạm thời đình chỉ hoạt động do phát hiện sai phạm, thêm một hồi chuông 'báo động' về tiêu cực trong công tác kiểm định, một trong những khâu cần nhất sự an toàn đối với phương tiện vận tải thì lại bị 'buông lỏng'…
Công an vào cuộc điều tra tiêu cực trong đăng kiểm
Ngày 26/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố, bắt tạm giam thêm hai bị can là đồng phạm trong vụ án nhận hối lộ tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 66-02D. Trước đó, ngày 13/10, Công an huyện Châu Thành phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh bắt quả tang bốn người tại trung tâm này đang có hành vi nhận tiền hối lộ của các tài xế để bỏ qua lỗi các xe đến kiểm định không đạt vẫn được cấp giấy đăng kiểm.
Ngày 18/10, ông Lê Hoàng Bảo - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Đồng Tháp có văn bản báo cáo UBND tỉnh Đồng Tháp về hoạt động của trung tâm đăng kiểm này. Theo đó, Trung tâm Đăng kiểm 66-02D là đơn vị tư nhân được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, đánh giá là đơn vị đăng kiểm xe cơ giới đủ điều kiện hoạt động và cấp giấy chứng nhận kiểm định. Về chuyên môn, nghiệp vụ đăng kiểm, trung tâm này chịu sự quản lý, giám sát trực tiếp của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Đến ngày 19/10, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới đối với Trung tâm Đăng kiểm 66-02D và đình chỉ hoạt động kiểm định đối với các đăng kiểm viên: Trần Thanh Nhã, Lê Tấn Tài và Nguyễn Thành Nguyễn trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày 19/10. Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và có hình thức xử lý mức độ vi phạm của Trung tâm Đăng kiểm 66-02D và các đăng kiểm viên sau khi có kết luận của cơ quan Công an.
Điều đáng nói, đây không phải là sự việc hy hữu xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm. Trước đó, tại Trung tâm Đăng kiểm 98-03D (Bắc Giang) đã gian dối đưa một số xe tải vào dây chuyền đăng kiểm để kiểm tra nhưng lại cấp tem, giấy chứng nhận cho xe có biển số khác đang ở cách đó hàng trăm kilomet.
Cũng trong năm 2022, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 67-01S (Long Xuyên, tỉnh An Giang) bị đình chỉ một dây chuyền kiểm định trong 1 tháng do có 2 đăng kiểm viên Nguyễn Tấn Khoa và Phan Thái Bảo của đơn vị vi phạm trong quá trình kiểm định xe. Nghiêm trọng hơn, từ ngày 15/8/2022, đăng kiểm viên Lê Tự Trị, Giám đốc của Trung tâm Đăng kiểm 85-02D (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) còn bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên do cập nhật bổ sung dữ liệu kiểm định phương tiện sai quy định.
Ngoài các trường hợp trên, từ đầu năm 2022 đến nay, Thanh tra Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam còn phát hiện vi phạm và dừng toàn bộ hoạt động đăng kiểm 1 tháng đối với Trung tâm Đăng kiểm 15-07D (phường Đồng Hòa, quận Kiến An, TP Hải Phòng); dừng 1 dây chuyền đăng kiểm đối với Trung tâm Đăng kiểm 63-02D (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) và Trung tâm Đăng kiểm 62-01S (thị xã Tân An, tỉnh Long An)… Về đăng kiểm viên, tổng số có gần 20 đăng kiểm viên và 3 nhân viên nghiệp vụ của 13 trung tâm đăng kiểm bị đình chỉ công việc. Theo quy định, trong thời gian bị đình chỉ, đăng kiểm viên không được trực tiếp kiểm định xe cơ giới.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm định
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện quy trình đăng kiểm xe cơ giới được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn ISO 9001 và Thông tư 16/2022/TT-Bộ GTVT quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm.
Những thủ tục mà chủ xe cần thực hiện khi đi đăng kiểm phương tiện gồm: Nộp hồ sơ (đăng ký xe, thông tin tên đăng nhập, mật khẩu truy cập và địa chỉ trang thông tin điện tử quản lý thiết bị giám sát hành trình, camera đối với xe thuộc diện phải lắp camera hành trình và thực hiện khai báo về việc kinh doanh vận tải vào phiếu theo dõi hồ sơ theo mẫu, đóng phí kiểm định, lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định).
Quy trình kiểm định phương tiện có 5 công đoạn, gồm: Kiểm tra nhận dạng, tổng quát; Kiểm tra phần trên của phương tiện; Kiểm tra hiệu quả phanh và trượt ngang; Kiểm tra môi trường (đo khí thải) và Kiểm tra phần dưới (gầm) xe. Mỗi lần xe vào kiểm định, đơn vị đăng kiểm phải chụp ảnh (thể hiện ngày, giờ) tổng thể xe, biển số để lưu trữ trong hồ sơ kiểm định và in trên giấy chứng nhận.
Việc giám sát hoạt động của các trung tâm đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam được thực hiện qua: Giám sát trực tiếp; Giám sát qua hệ thống camera trực tuyến; Phúc tra kết quả kiểm định và Phản ánh của báo chí, cơ quan truyền thông. Thời gian qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng phát hiện một số vi phạm qua việc giám sát từ hệ thống camera trực tuyến nhưng không nhiều vì hình thức này chỉ đưa ra những dấu hiệu của hành vi vi phạm, không rõ ràng chi tiết. Biện pháp quan trọng nhất vẫn là qua phúc tra kết quả kiểm định và đánh giá rà soát cơ sở dữ liệu kiểm định.
Thống kê năm 2018 cho thấy toàn quốc chỉ có 172 trung tâm đăng kiểm nhưng chỉ sau gần 4 năm khi Nghị định 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới có hiệu lực đi vào thực thi từ năm 2019, số lượng trung tâm đăng kiểm tăng thêm 107 trung tâm, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp và cá nhân đầu tư. Tuy nhiên, quá trình xã hội hóa hoạt động đăng kiểm đã và đang bộc lộ không ít bất cập, đáng lo ngại nhất gần đây xuất hiện những trung tâm đăng kiểm kém chất lượng, thậm chí là tiêu cực, khiến Bộ GTVT phải yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam tạm đình chỉ hoạt động của đăng kiểm viên và tạm dừng hoạt động của các trung tâm đăng kiểm.
Để tránh vi phạm xảy ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam đặt ra quy định các trung tâm đăng kiểm phải truyền dữ liệu từ hệ thống camera giám sát ở trung tâm đăng kiểm về Cục Đăng kiểm Việt Nam, đồng thời phải lưu trữ thông tin trong vòng 1 tháng đã góp phần giúp Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường giám sát trực tiếp và thực hiện hậu kiểm.
Bên cạnh đó, nhằm quản lý chặt các trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã triển khai việc tăng cường công tác bảo mật dữ liệu, phần mềm đăng kiểm trên toàn hệ thống. Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xây dựng được chương trình phần mềm quản lý trực tuyến, xe đăng kiểm đến đâu có kết quả trên hệ thống đến đó, giúp kiểm soát hồ sơ trực tuyến từng phương tiện, lịch sử kiểm định. Hồ sơ kiểm định được lưu trữ riêng tại đơn vị đăng kiểm và trích xuất, nhập vào kho dữ liệu chung của toàn hệ thống để ngăn chặn tình trạng này.
Chưa dừng lại, cách đây vài ngày, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục có văn bản yêu cầu các đơn vị đăng kiểm trên cả nước siết chặt hơn nữa việc thực hiện đạo đức, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, quy trình, quy định trong hoạt động kiểm định. Khi kiểm định phương tiện, đơn vị phải kiểm tra đầy đủ các hạng mục kiểm tra theo quy định, không được kết luận và thông báo cho khách hàng về việc phương tiện không đạt tiêu chuẩn khi chưa thực hiện kiểm tra đầy đủ các hạng mục theo quy trình, quy định. Đối với trường hợp phương tiện không đạt tiêu chuẩn, lãnh đạo đơn vị có trách nhiệm phân công cán bộ có trình độ giải thích rõ ràng, đầy đủ và hướng dẫn khách hàng sửa chữa, khắc phục để kiểm định lại.
Nghiêm cấm các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới có các hành vi vi phạm quy định như: Làm sai lệch kết quả kiểm định; Không tuân thủ đúng quy định tại các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan trong kiểm định; Không công khai các thủ tục, quy trình kiểm định tại trụ sở đơn vị theo quy định… Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng yêu cầu lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ trong đơn vị phải có thái độ lịch sự, đúng mực. Những trường hợp phức tạp, lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp gặp khách hàng để giải quyết trên tinh thần tuân thủ pháp luật và vì nhân dân phục vụ.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/xu-ly-nghiem-tieu-cuc-trong-dang-kiem-i672488/