Xử lý nghiêm tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả
Những tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tới thị trường kinh doanh hàng hóa. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Cùng với đó, do sự thiếu hụt về cung ứng các loại khẩu trang, vật tư y tế phòng chống dịch, nên tình trạng sản xuất hàng giả trong lĩnh vực này cũng gia tăng. Để kiểm soát thị trường, các lực lượng chức năng đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trong công tác chống hàng giả, từ đó, chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hợp quy nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ một vụ buôn bán hàng giả.
Trong tháng 4-2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện và ban hành 2 quyết định xử phạt việc sản xuất khẩu trang giả trên địa bàn huyện Nông Cống. Điển hình như, ngày 25-4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH May HGP, địa chỉ tại thôn Thọ Thượng, xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống vì hành vi sản xuất khẩu trang giả. Công ty TNHH May HGP bị phạt số tiền 30 triệu đồng với hành vi sản xuất khẩu trang giả, không có giá trị, công dụng sử dụng, kèm theo hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện máy móc được sử dụng để sản xuất hàng giả (máy khâu). Đồng thời, đình chỉ một phần hoạt động sản xuất vi phạm trong thời hạn 18 tháng. Công ty TNHH May HGP cũng buộc phải tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm là khẩu trang vải kháng khuẩn Nudin do đơn vị sản xuất với số lượng 1.240 cái.
Ngày 28-4, Cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục ban hành quyết định xử phạt cơ sở sản xuất khẩu trang của ông Lê Sỹ Đức, địa chỉ tại thôn Yên Nẫm, xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, số tiền 5 triệu đồng cũng vì hành vi sản xuất hàng giả, không có giá trị sử dụng. Đồng thời, tịch thu phương tiện là máy móc (máy khâu) được sử dụng để sản xuất hàng giả. Đình chỉ hoạt động một phần hoạt động sản xuất vi phạm trong thời hạn 18 tháng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật là khẩu trang vải dệt kháng khuẩn Vân Anh Medical MASK giả không có giá trị sử dụng, công dụng với số lượng 750 cái.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 5, các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã phối hợp xử lý 49 vụ vi phạm trong lĩnh vực hàng giả, xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 888 triệu đồng. Nhiều vụ việc với tính chất vi phạm nghiêm trọng, quy mô lớn đã được các lực lượng phối hợp điều tra, trinh sát và xử lý triệt để, điển hình như: Ngày 28-2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa trình UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Công Thành Phát, địa chỉ tại phường Ba Đình, TP Thanh Hóa xử phạt vi phạm hành chính số tiền 213 triệu đồng về 2 hành vi: Buôn bán hàng hóa (thiết bị vệ sinh) giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa (thiết bị vệ sinh) theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm trong thời hạn 2 tháng; buộc tiêu hủy toàn bộ 130 bộ thiết bị vệ sinh giả mạo nhãn hiệu Viglacera, Inax, Cotto; trị giá hàng hóa vi phạm 184.324.000 đồng. Vụ việc do Đội Quản lý thị trường số 16 phối hợp cùng Phòng PC03 - Công an tỉnh thực hiện.
Được biết, trước tình trạng sản xuất hàng giả nói chung vẫn diễn biến phức tạp, đồng thời, giá các loại khẩu trang y tế vẫn chưa thể trở lại mức bình thường, nhằm kiểm soát chặt chẽ thị trường hàng hóa, lực lượng quản lý thị trường đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương nâng cao nghiệp vụ trinh sát, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không bảo đảm chất lượng, hành vi vi phạm về giá theo quy định của pháp luật.