Xử lý nghiêm trách nhiệm trong các vụ phá rừng
Sau hơn 1 tháng tiến hành thanh kiểm tra hai vụ phá rừng nghiêm trọng ở tỉnh Quảng Bình, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình đã có kết luận chính thức. Điều đáng nói đơn vị quản lý rừng để mất hàng trăm hécta rừng ngay giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (PNKB) nhưng đều không bị bất cứ hình thức kỷ luật nào khiến dư luận hết sức bất bình.
Rừng bị phá như chốn không người
Vườn PNKB-Di sản thiên nhiên thế giới, nơi có nhiều trạm Kiểm lâm chốt giữ, tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến tháng 5 vừa qua, nhiều loại gỗ quý hiếm (chủ yếu là gỗ mun) bị lâm tặc đốn hạ ngay giữa vùng lõi Vườn PNKB như chốn không người.
Nhiều khu vực rừng ngay ở vùng lõi bị lâm tặc triệt hạ lấy đi gỗ quý khoảng 100m3, còn cây non nằm ngổn ngang như ở các tiểu khu 649, 650, trong đó có hàng chục cây gỗ mun, thuộc nhóm IIA hàng trăm năm tuổi đã bị chặt hạ mang đi, nhiều loại gỗ khác như táu, tràm, trường sâng, nang, bài lài, nhộng, bộp… cũng bị khai thác. Toàn bộ các cây gỗ đều bị cưa hạ, chặt phá bằng máy cưa xăng. Gỗ mun sọc ở Vườn PNKB hay còn gọi là thị bong (tên khoa học là Diospyros salletii).
Loài thực vật rừng này có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Sự hiện diện của mun sọc trong Vườn PNKB chỉ ở một vài khu vực nhất định bởi chất đất ở vườn này rất giàu dinh dưỡng, độ ẩm cao nhưng mun sọc lại phù hợp với khí hậu hạn trên đất nghèo, độ cao dưới 800m. Ở Việt Nam hiện nay, gỗ mun hiện rất quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao và loài này đang bị đe dọa tuyệt chủng bởi sự săn lùng ráo riết của nạn khai thác trái phép.
Vụ phá rừng ở Phong Nha Kẻ Bàng vừa được phát hiện thì sau vài ngày ở tại Tiểu khu 329, lâm phận rừng Trường Sơn, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại quản lý, cơ quan chức năng ở Quảng Bình lại phát hiện hàng loạt cây gỗ quý hiếm như lim, gõ, chua bị chặt hạ, khai thác trái phép.
Qua kiểm tra, một số thân gỗ đã bị lâm tặc cưa xẻ và lấy ra khỏi rừng, số gỗ còn lại là phần ngọn, và một số hộp, thanh gỗ với số lượng 88 khúc, hộp có khối lượng 19,8m3. Chỉ phần thân, ngọn của cây rừng mà lâm tặc để lại chưa kịp tẩu tán, lấy đi đã lên đến gần 20m3, như vậy theo tính toán ban đầu của cơ quan chức năng nơi đây, hàng trăm mét khối gỗ rừng đã bị lâm tặc lấy đi trước đó…
Lý giải về việc để xảy ra các vụ phá rừng nghiêm trọng này, Giám đốc Ban Quản lý kiêm Hạt trưởng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, ông Lê Thanh Tịnh thẳng thắn thừa nhận, để xảy ra tình trạng “lâm tặc” ngang nhiên khai thác rừng trái phép để lấy gỗ mun quý hiếm, trách nhiệm chính và trực tiếp thuộc về Ban quản lý và lực lượng chuyên trách giữ rừng của đơn vị này…
Để mất rừng nhưng chỉ rút kinh nghiệm
Ngay sau khi việc phá rừng nghiêm trọng ngay giữa vùng lõi Vườn PNKB bị phát giác, ông Hoàng Đăng Quang-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của tỉnh như Công an, Biên phòng, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, Vườn PNKB… thành lập đoàn liên ngành tiến hành khẩn trương điều tra làm rõ vụ phá rừng nghiêm trọng này và xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.
Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Công an tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Công an hai huyện Bố Trạch và Quảng Ninh khởi tố các vụ án phá rừng nghiêm trọng và khởi tố 18 đối tượng, trong đó bắt tạm giam 15 đối tượng phá rừng. Vụ án được tiếp tục được điều tra mở rộng thì mới đây, Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã có kết luận làm nhiều người bất ngờ.
Theo Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình, Giám đốc Ban Quản lý, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng Lê Thanh Tịnh và Phó Giám đốc Ban Quản lý, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng Đinh Huy Trí là đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, nhưng những khuyết điểm, vi phạm của đồng chí Lê Thanh Tịnh và đồng chí Đinh Huy Trí chưa đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật.
Đối với việc xử lý trách nhiệm của Giám đốc Lâm trường Trường Sơn, Đảng ủy Công ty TNHH một thành viên lâm công nghiệp Long Đại đã chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm và biểu quyết không thi hành kỷ luật đối với đồng chí Châu Ngọc Dương, yêu cầu đồng chí Châu Ngọc Dương kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm để rút kinh nghiệm sâu sắc.
Như vậy hàng trăm mét khối rừng bị mất đi, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để mất rừng, và mặc dù Tỉnh ủy Quảng Bình đã có chỉ thị 01 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi nhiệm vụ được giao. Song cuối cùng rừng đã vẫn mất bởi cách xử lý, kỷ luật các chủ rừng ở Quảng Bình theo kiểu cho xong chuyện, khiến hết sức bức xúc.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phap-luat/xu-ly-nghiem-trach-nhiem-trong-cac-vu-pha-rung-552498/