Xử lý nghiêm vi phạm trên đất rừng

Trước tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18-5-2022 về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Chỉ thị yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng trái quy định của pháp luật...

Tại TP Phú Quốc (Kiên Giang), tình trạng vi phạm trên đất rừng diễn ra từ lâu. Ngày 29-4-2020, Thanh tra Chính phủ có Thông báo kết luận thanh tra số 636/TB-TTCP, trong đó nêu một số vi phạm trong quản lý đất rừng ở TP Phú Quốc, như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) không đôn đốc chủ đầu tư các dự án có sử dụng đất rừng chuyển đổi sang mục đích khác lập phương án trồng rừng thay thế để phê duyệt và tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

 Dựng nhà trái phép trên đất rừng do UBND xã Cư M’lan, huyện Ea Súp (Đắc Lắc) quản lý. Ảnh: THÀNH NAM

Dựng nhà trái phép trên đất rừng do UBND xã Cư M’lan, huyện Ea Súp (Đắc Lắc) quản lý. Ảnh: THÀNH NAM

Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sang mục đích khác khi chủ đầu tư chưa lập phương án trồng rừng đối với diện tích rừng chuyển sang mục đích khác trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là chưa đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp theo quy định. Nghiêm trọng hơn, việc Sở NN&PTNT, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc, Vườn Quốc gia Phú Quốc buông lỏng quản lý rừng, dẫn tới tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất rừng trong thời gian dài nhưng chậm được ngăn chặn, xử lý, dẫn đến một số hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn với diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Vườn Quốc gia Phú Quốc...

Thế nhưng, tình trạng lấn chiếm đất rừng rồi phân lô bán nền tại TP Phú Quốc vẫn tiếp tục diễn ra. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Kiên Giang đã lập tổ công tác đặc biệt để xử lý lấn chiếm, phá rừng trái phép ở TP Phú Quốc. Theo đó, từ ngày 20-6 đến 31-12-2022, tổ công tác phối hợp với UBND TP Phú Quốc, Vườn Quốc gia Phú Quốc xác định các điểm nóng, rà soát phân loại hiện trạng sử dụng đất, các hành vi vi phạm pháp luật, xem xét xử lý dứt điểm từng trường hợp và bàn giao tổ chức quản lý chặt chẽ, không để tái lấn chiếm sử dụng đất sai mục đích. Theo ông Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, sau hơn hai tuần ra quân, tổ công tác đã tháo dỡ 12 nhà tạm diện tích 502m2, thu hồi 65,36ha đất quy hoạch lâm nghiệp bị lấn chiếm và diện tích đất rừng phòng hộ bị lấn chiếm là 7,4ha...

Không riêng tại TP Phú Quốc, tình trạng lấn chiếm, vi phạm trên đất rừng cũng xảy ra ở nhiều địa phương, khiến không ít cán bộ các cấp bị kỷ luật. Tại tỉnh Lạng Sơn, dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng ông Nguyễn Văn Mạnh, trú tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định đã tự ý xây dựng trên đất rừng nằm cạnh hồ thủy lợi Khuổi Hin, thôn Khuổi Sao, xã Chi Lăng khiến dư luận bức xúc. Điều đáng nói, ông Mạnh là đại biểu HĐND huyện Tràng Định. Trước đó, vào tháng 11-2021, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắc Nông đã quyết định kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đăk Song (thời kỳ 2015-2019) và ông Nguyễn Văn Phò, Phó chủ tịch UBND huyện Đăk Song (hiện là Chủ tịch UBND huyện Đăk Song) vì các sai phạm trong công tác quản lý đất đai, cấp đất rừng phòng hộ cho cá nhân, doanh nghiệp...

Thời gian qua, mặc dù các bộ, ngành đã tích cực hướng dẫn, chỉ đạo triển khai, hỗ trợ các địa phương tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, ổn định đời sống nhân dân nhưng tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng trên địa bàn một số tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ phá rừng trái pháp luật với quy mô lớn đã xảy ra, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, gây bức xúc trong xã hội. Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg là rất cần thiết. Các địa phương cần quán triệt, triển khai nghiêm túc, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng trái quy định của pháp luật; khẩn trương kiểm tra hiện trường, xác minh, điều tra làm rõ các vụ phá rừng trái pháp luật đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ án phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong thời gian qua nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Bên cạnh đó, cần xử lý trách nhiệm của chủ rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời...

ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xu-ly-nghiem-vi-pham-tren-dat-rung-699909