Xử lý nghiêm vi phạm trong giải quyết án tạm đình chỉ

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình, kết quả công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.

Tại báo cáo, Chính phủ khẳng định về mặt pháp luật, các quy định cơ bản đã đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.

Đáng chú ý, nếu trước đây khi người cầm đầu bỏ trốn, các cơ quan tố tụng phải tạm đình chỉ, truy bắt được mới tiếp tục xử lý thì hiện nay đã điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt người cầm đầu bỏ trốn.

“Lần đầu tiên, căn cứ quy định của pháp luật, cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn (người cầm đầu trong vụ AIC Đồng Nai), kịp thời răn đe, phòng ngừa chung, xây dựng án lệ để áp dụng” - báo cáo của Chính phủ nêu.

Chính phủ cũng cho hay tổng số vụ án, vụ việc tạm đình chỉ còn tồn đọng nhiều; việc giải quyết gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đáng chú ý, pháp luật hình sự chỉ quy định các trường hợp có quyết định truy nã thì không xác định thời hiệu. Những trường hợp có quyết định truy tìm (người bị nghi thực hiện tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị bỏ trốn hoặc không biết ở đâu) vẫn tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bởi vậy, các đối tượng thường lợi dụng bỏ trốn, không hợp tác làm việc, dẫn đến hết thời hạn xác minh giải quyết nguồn tin chưa đủ tài liệu, chứng cứ để ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố, buộc phải tạm đình chỉ, từ đó làm tăng số lượng vụ việc tạm đình chỉ…

Tại báo cáo, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục. Đáng chú ý, Chính phủ đề nghị VKSND Tối cao đẩy mạnh việc ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia, vùng lãnh thổ; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc tổ chức xác minh, truy bắt đối tượng truy nã có truy nã quốc tế qua kênh Interpol và các nước có biên giới với Việt Nam.

Với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ kiến nghị quan tâm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật…

Nêu ý kiến, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chủ quan của tình trạng nêu trên. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đề nghị cần “nghiêm túc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có vi phạm trong quá trình quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ”.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/xu-ly-nghiem-vi-pham-trong-giai-quyet-an-tam-dinh-chi-post750277.html