Xử lý nghiêm việc gây ô nhiễm môi trường

Trang trại lợn của Công ty cổ phần Cao Đa Sơn La, nằm trên đồi của bản Cao Đa 1, có diện tích gần 20 ha, đây là trang trại có quy mô lớn, cách hộ dân gần nhất là 200 m và cách điểm trường tiểu học xã Phiêng Ban gần 1.000 m. Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2018, trang trại lợn đã gây ra mùi hôi thối, khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ dân xung quanh và điểm trường tiểu học Phiêng Ban gần đó.

Ao chứa chất thải của trang trại lợn được xả thải tự nhiên ra môi trường.

Ao chứa chất thải của trang trại lợn được xả thải tự nhiên ra môi trường.

Sinh sống ở phía dưới chân đồi, cách trang trại lợn khoảng 200m, bà Bùi Thị Sướng, bản Cao Đa 1, xã Phiêng Ban, nói: Nước thải từ trang trại rò rỉ ra ngoài môi trường, lúc nào cũng có mùi hôi thối nồng nặc rất khó chịu, nhức đầu lắm; lợi dụng trời mưa thường xả thẳng ra đồi, ra mương, gây ô nhiễm môi trường.

Còn Phó trưởng bản Lường Văn Đạt, phản ánh: Người dân bản chúng tôi rất khổ vì trang trại lợn thải ra mùi hôi thối. Có thời điểm trang trại chăn nuôi khoảng 3.000 con lợn thịt, 600 con lợn nái, nhiều chất thải lắm, nước thải của khu chăn nuôi thẩm thấu xuống tận tà luy dương dốc Suối Cao. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với các đại biểu HĐND huyện, gửi cả đơn kiến nghị lên xã, huyện nhưng vẫn không thấy giải quyết dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm môi trường của trang trại lợn này.

Trước những ý kiến của người dân bản Cao Đa I, xã Phiêng Ban, UBND huyện Bắc Yên đã có công văn gửi lên Sở Tài nguyên và Môi trường, đề nghị kiểm tra, xác minh làm rõ tình trạng gây ô nhiễm môi trường và có biện pháp xử lý. Đầu năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, xác minh ý kiến của cử tri bản Cao Đa I và kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Dự án đầu tư xây dựng trang trại lợn nái sinh sản, lợn thương phẩm gắn với sản xuất nông nghiệp Cao Đa. Kết quả kiểm tra cho thấy, mùi hôi phát sinh từ trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP Cao Đa Sơn La gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân bản Cao Đa là đúng thực tế. Công ty chưa lập sổ nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải. Yêu cầu Công ty CP Cao Đa Sơn La thực hiện rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống xử lý phân, nước thải từ nuôi lợn, đảm bảo nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn quy định QCVN 62-MT/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải chăn nuôi...

Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Yên, cho biết: Chúng tôi đã yêu cầu Công ty CP Cao Đa Sơn La nghiêm túc, khẩn trương thực hiện các nội dung mà Sở Tài nguyên và Môi trường đã nêu. Đồng thời, phối hợp với UBND xã Phiêng Ban theo dõi giám sát, đôn đốc, kiểm tra, yêu cầu Công ty CP Cao Đa Sơn La nghiêm túc thực hiện, xử lý dứt điểm việc gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, Công ty không khắc phục, sửa chữa, vẫn để tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra.

Ngày 17/8/2021, UBND tỉnh Sơn La đã ra quyết định mức phạt hành chính 220 triệu đồng với Công ty cổ phần Cao Đa Sơn La. Đồng thời, đình chỉ hoạt động tái đàn của trại lợn nái sinh sản, lợn thương phẩm tại bản Cao Đa 1 trong thời hạn 7 tháng để khắc phục vi phạm, bắt đầu từ ngày 17/8/2021. Lý do: Công ty đã đưa trang trại lợn nái sinh sản, lợn thương phẩm gắn với sản xuất nông nghiệp Cao Đa tại bản Cao Đa 1, xã Phiêng Ban (Bắc Yên) đi vào hoạt động chăn nuôi mà không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định. Các biện pháp khắc phục hậu quả gồm: Buộc phải lập hồ sơ báo cáo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định.

Quyết định xử phạt đối với Công ty CP Cao Đa Sơn La nhận được sự đồng tình của nhân dân. Tuy nhiên, người dân phản ánh, không thấy giảm mùi hôi thối bốc ra từ khu vực chăn nuôi và nghi ngại việc chấp hành của Công ty cổ phần Cao Đa Sơn La. Theo lời chỉ dẫn của một số người dân, chúng tôi đi theo lối mòn ra phía sau trang trại và quan sát thấy, phía trong hàng rào có một ao chứa chất thải rộng chừng 3.000 m², không có tường xây, không có các bể chứa, không có mái che, không có ni lông bao lót phía dưới và xung quanh ao để tránh nước thải thẩm thấu ra môi trường, nước đen kịt, bốc mùi hôi thối. Mặc dù đã bị xử phạt do gây ra ô nhiễm môi trường, nhưng đến thời điểm này vẫn không thấy Công ty có động thái khắc phục ô nhiễm môi trường.

Chúng tôi tìm gặp lãnh đạo Công ty cổ phần Cao Đa Sơn La, nhưng nhân viên bảo vệ không cho vào, điện thoại cho ông Mai Khả Hiền, Giám đốc thì chỉ nhận được câu trả lời “tôi đang bận”. Tiếp tục chờ đợi trước cổng Công ty gần 2 giờ vẫn cửa đóng, then cài, không có ai ra để trao đổi.

Trang trại chăn nuôi của Công ty cổ phần Cao Đa Sơn La được xây tường bao xung quanh, không cho người ngoài vào.

Trước vụ việc này, thiết nghĩ, các cấp, các ngành, địa phương cũng cần có giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn, “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/xu-ly-nghiem-viec-gay-o-nhiem-moi-truong-43167