Xử lý như nào đối với nghi phạm đánh công an tử vong tại Hà Nam?
Chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi của nghi phạm thể hiện sự côn đồ hung hãn, vô cớ tước đoạt tính mạng của người khác đã cấu thành tội Giết người.
Axit uric máu cao, CƠN ĐAU GÚT tái phát liên tục, ông Hiền làm gì để cải thiện? XEM NGAY!
Công an tỉnh Hà Nam đã có thông tin chính thức về vụ việc thượng úy Nguyễn Tuấn M. (SN 1990, là cán bộ Công an xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) tử vong trong khi làm nhiệm vụ.
Theo đó, khoảng 13h15 ngày 10/11, Công an xã Đạo Lý nhận được tin báo của người dân về việc tại xưởng may của ông Nguyễn Văn Hưng (SN 1973, ở thôn Sàng, xã Đạo Lý) xảy ra vụ xô xát đánh nhau.
Các đối tượng xô xát với ông Hưng gồm: Nguyễn Văn Côn (SN 1979); Trần Quang Đoài (SN 1972, đều trú xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân) và Phan Văn Thế (SN 1978, trú xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân).
Nhận tin báo, Công an xã Đạo Lý đã báo cáo lãnh đạo Công an huyện Lý Nhân, đồng thời cử thượng úy M. và anh Nguyễn Văn H. (công an viên) trực tiếp xuống hiện trường nắm tình hình, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Khi thượng úy M. xuống hiện trường, xác định nhóm đối tượng này sử dụng hung khí đánh nhau nên đã yêu cầu các đối tượng về trụ sở Công an xã Đạo Lý làm việc.
Tuy nhiên, các đối tượng không chấp hành, trong đó Nguyễn Văn Côn đã dùng tay đấm vào vùng bụng, nách khiến thượng úy M. bị thương.
Sau khi được người dân đưa đi cấp cứu, đến khoảng 15h cùng ngày, thượng úy M. đã tử vong tại Bệnh viện huyện Lý Nhân. Nguyên nhân tử vong được xác định do bị vỡ lá lách trái gây mất máu dẫn đến tử vong.
Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã giữ 03 đối tượng trên để điều tra, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Nhìn nhận vụ việc này dưới dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng hành vi phạm tội của nghi phạm không những đã xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công mà còn xâm phạm đến tính mạng của người thi hành công vụ nên cần thiết phải xử lý nghiêm bằng pháp luật hình sự.
Hành vi của nghi phạm đã sử dụng vũ lực đấm vào các vùng trọng yếu trên cơ thể anh M. là nguy hiểm đến tính mạng. Nghi phạm không có mâu thuẫn, thù oán gì với anh M. nhưng đã chống lại hoạt động của người thực thi nhiệm vụ bằng việc đánh anh M. tử vong.
"Hành vi của nghi phạm thể hiện sự côn đồ hung hãn, vô cớ tước đoạt tính mạng của người khác đã cấu thành tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm d, n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự", Luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
Theo chuyên gia pháp lý này, lỗi của nghi phạm trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp được quy định tại Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.
Cùng với đó, luật sư này cũng cho rằng đối với việc đánh nhau giữa ông Nguyễn Văn Hưng (47 tuổi) với nhóm của Nguyễn Văn Côn (41 tuổi), Trần Quang Đoài (48 tuổi) và Phan Văn Thế (42 tuổi) tại một xưởng may ở thôn Đồng Phú cần phải được xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đánh nhau gây thương tích thì tùy theo tính chất mức độ các đối tượng có thể bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Nếu việc đánh nhau chưa gây hậu quả thì có thể xem xét xử lý các đối tượng về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.