Xử lý như nào đường dây buôn bán trẻ em Việt Nam sang Trung Quốc ?
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho biết, ngày 26/2 cơ quan chức năng vừa triệt phá đường dây mua bán nhiều trẻ sơ sinh sang Trung Quốc và thông tin thêm về quá trình điều tra đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo đó, khuya 25/2, lực lượng của Cục Cảnh sát hình sự phối hợp cùng Công an Hà Nội và Cao Bằng kiểm tra nhiều địa điểm được nhóm mua bán người thuê để chăm nuôi trẻ sơ sinh.
Sau cuộc đột kích, cảnh sát giải cứu 3 trẻ sơ sinh chưa bị bán ra nước ngoài và xác định nhiều phụ nữ có liên quan đường dây này. Cục Cảnh sát hình sự xác định đường dây phạm pháp có sự cấu kết, tham gia của nhiều người trong và ngoài nước. Cơ quan chức năng đã bàn giao các nạn nhân cho Trung tâm phụ nữ và phát triển thuộc Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam chăm sóc.
Qua đấu tranh khai thác các đối tượng xác định tháng 4/2019, Chung đi làm công nhân tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Sau đó, y kết bạn với Tính (sinh năm 1982, là người Việt Nam - Chung biết Tính quê ở Thanh Hóa, không biết địa chỉ cụ thể) làm môi giới đưa người Việt Nam sang làm công nhân tại Trung Quốc.
Do có quan hệ với Tính nên Chung biết người này làm việc mua bán trẻ em từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tháng 10/2020, Chung xin Tính cho làm việc mua bán Việt Nam sang Trung Quốc thì nhận được sự đồng ý.
Sau đó, người này có nhiệm vụ tìm người đang mang thai hoặc người đã sinh con không có điều kiện nuôi dưỡng cần bán hoặc cho làm con nuôi, Chung thỏa thuận đưa sang Trung Quốc và trả công 80 triệu đồng.
Nam nghi phạm này sau đó sử dụng mạng xã hội Ticktok câu kết với Lương Ngọc, Hải Nga (chưa xác định được lai lịch) có nhiệm vụ đón người tại Cao Bằng rồi đi theo đường tiểu ngạch đưa sang Trung Quốc bàn giao cho Tính.
Mỗi trẻ em, Tính đưa cho Chung 30 triệu và mẹ đứa trẻ 80 triệu.
Từ tháng 11/2020 đến tháng 1/2021, Chung cấu kết với Út, Loan, Sáu là người Việt Nam làm công nhân tại Trung Quốc tìm được 7 người đang mang thai có nhu cầu bán con. Trong đó, có 1 người đã sang Trung Quốc sinh con bán lại cho Tính, 2 người đi đến Cao Bằng thì không sang được, 4 người sau khi được Chung gửi tiền xe thì không liên lạc được. Cuối tháng 1/2021, Chung về Việt Nam thuê nhà ở Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội kết nối với Ninh Thị Hải Yến tìm được 4 người đang mang thai có nhu cầu bán con.
Trong đó, có 2 người đã đi sang Trung Quốc sinh con bán cho Tính (Chung không nhớ họ tên, địa chỉ của 2 người này), còn 2 người là K.Q.M. và Tr.T.P. đã sinh con được Chung đưa ra Hà Nội đang chờ ngày đưa trẻ sang Trung Quốc.
Đối với Đặng Trương Đào Nguyên Anh vào tháng 11/2020, thông qua mạng xã hội wechat đã kết bạn với Mai Minh Chung rồi nảy sinh tình cảm. Trung tuần tháng 2/2021, Chung đưa Anh về ở cùng tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì. Khi về ở cùng Chung tại địa chỉ trên Anh thấy có một phụ nữ tên Ph. mới sinh con nên biết người yêu làm việc mua bán trẻ em sang Trung Quốc. Sau đó, Ninh Thị Hải Yến đã nói Anh lên mạng xã hội tìm người bán con, nếu tìm được người đồng ý Yến sẽ trả cho Anh 20 triệu thì cô gái này đồng ý. Nguyên Anh đã vào mạng xã hội facebook kết bạn với Ng.T.H.A. đang mang thai tháng thứ 8, cần cho con làm con nuôi. Anh đã đề nghị H.A. bán con sang Trung Quốc và được bồi dưỡng 90 triệu đồng thì H.A. đồng ý.
Hiện Cục Cảnh sát hình sự đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Mai Minh Chung, Ninh Thị Hải Yến, Đặng Trương Đào Nguyên Anh.
Liên quan vụ việc, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết đây là một chiến công xuất sắc của lực lượng Công an Nhân dân nói chung và Cục Hình sự nói riêng nhân dịp đầu năm mới trong bối cảnh cả nước đang quyết liệt phòng chống dịch bệnh Covid 19 diễn ra phức tạp. Ngay sau khi nhận được tin báo tội phạm, Cục Hình sự (C02) đã phối hợp với các tỉnh, thành phố khẩn trương điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực tế thời gian qua, tội phạm mua bán người đang có chiều hướng phức tạp, đặc biệt là nạn mua trẻ em đang đang gây bức xúc trong dư luận xã hội nước ta hiện nay. Hành vi này không chỉ xâm hại đến quyền trẻ em mà còn tác động xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước ta.
Trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật trong nước và quốc tế bảo vệ. Mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em sẽ bị xử lý nghiêm minh. Luật phòng, chống mua bán người 2012, Luật trẻ em 2016 đã nghiêm cấm hành vi bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em,..
Xét hành vi của các đối tượng trong vụ án này đã có sự cấu kết chặt chẽ, tham gia của nhiều người trong và ngoài nước mua bán trẻ sơ sinh nhiều lần qua biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã cấu thành tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự.
Theo thông tin ban đầu, Cơ quan điều tra đã giải cứu 3 trẻ sơ sinh khi nhóm nghi phạm chưa kịp bán các nạn nhân ra nước ngoài và làm rõ nhiều cháu khác đã bị bán sang Trung Quốc. Nếu có căn cứ xác định nhóm các đối tượng đã có hành vi mua bán 06 cháu bé trở lên thì sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất tù Chung thân theo quy định tại điểm e, khoản 3 Điều 151 Bộ luật hình sự.
Đối với hành vi của những người phụ nữ là mẹ các cháu bé, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức pháp luật hạn chế không có điều kiện nuôi con nên đã cho các đối tượng nhận làm con nuôi và yêu cầu bồi dưỡng một số tiền nhất định sẽ không đồng phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Suy cho cùng họ bước đường cùng mới cho con mình vừa sinh ra và ở góc độ xã hội họ cũng là nạn nhân. Những người phụ nữ này vừa đáng trách, vừa đáng thương bởi họ chỉ nghĩ cho con để có thêm thu nhập và trang trải cuộc sống khó khăn của gia đình. Họ không ý thức được việc làm này đi ngược lại các giá trị đạo đức dân tộc; tình mẫu tử thiêng liêng;…
Việt Nam được xem là điểm nóng của tình trạng mua bán người trong khu vực các nước tiểu vùng sông Mekong. Do đó việc xử lý nghiêm các đối tượng mua bán trẻ em là yêu cầu rất cấp thiết trong tình hình hiện nay không chỉ nhằm trừng trị các đối tượng mà còn là sự cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa các đối tượng đã và đang thực hiện hành vi mua bán trẻ em qua biên giới.
Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội;
c) Đối với từ 02 người đến 05 người;
d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Vì động cơ đê hèn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
e) Đối với 06 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.