Xử lý như thế nào cặp đôi cướp giật tài sản gây án mạng?

Vừa qua, một vụ việc thương tâm đã xảy ra khi bà V.T.T bị 2 đối tượng giật túi xách khiến bị ngã dẫn đến tử vong sau đó. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho người dân cần cẩn trọng, cảnh giác, không đeo túi, trang sức… bên người khi tham gia giao thông trên đường, đặc biệt là vào thời điểm sáng sớm hoặc đêm khuya.

2 đối tượng Đoàn Văn Lợi và Nguyễn Hồng Dung. Ảnh: CA quận Hai Bà Trưng

2 đối tượng Đoàn Văn Lợi và Nguyễn Hồng Dung. Ảnh: CA quận Hai Bà Trưng

Ngày 4/10, công an (CA) phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhận được tin tố giác về việc bà V.T.T, (SN 1962, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị hai đối tượng cướp giật tài sản. Theo đó, rạng sáng cùng ngày, bà V.T.T điều khiển xe máy chở theo 1 thùng xốp màu trắng phía sau hướng từ Tam Trinh đi Kim Ngưu, bụng đeo một chiếc túi xách. Lúc này, hai đối tượng 1 nam 1 nữ đèo nhau bất ngờ vượt lên áp sát và giật lấy chiếc túi mà bà V.T.T đang đeo.

Bị giật mạnh dẫn đến không làm chủ được tay lái, bà V.T.T đã ngã ra đường. Sau đó, bà V.T.T được người dân đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu. Đến 18h22 ngày 5/10, nạn nhân đã tử vong. Ngay khi nhận được tin báo, Đội Cảnh sát hình sự - CA quận Hà Bà Trưng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) – CA TP Hà Nội vào cuộc điều tra, truy xét. Đến ngày 7/10, lực lượng CA đã làm rõ và bắt giữ 2 đối tượng thực hiện hành vi cướp giật tài sản dẫn đến hậu quả thương tâm cho bà V.T.T là Đoàn Văn Lợi (SN 1989) và Nguyễn Hồng Dung (SN 1987), cùng trú tại ngõ 38 Nguyễn Chính, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Theo hồ sơ, Lợi đã có 4 tiền án và 1 tiền sự, Dung có 1 tiền án. Bản thân hai đối tượng này đều nghiện ma túy nặng. Do cần tiền mua ma túy sử dụng nên cả hai đã rủ nhau đi cướp giật tài sản của người đi đường. Để tránh bị phát hiện, Lợi và Dung rời nhà lúc 4h sáng. Đối tượng mà 2 đối tượng này nhắm tới là những người phụ nữ đi bán hàng sớm, thường chở hàng hóa nên ít có khả năng phòng vệ.

Theo chuyên gia pháp lý, tội “Cướp giật tài sản” được quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Tuy nhiên, điều luật này cũng như các văn bản pháp luật chỉ nói về mức độ xử lý đối với tội “Cướp giật tài sản” mà không mô tả cụ thể như thế nào là hành vi cướp giật tài sản. Dựa vào cấu thành tội danh thì tội “Cướp giật tài sản” có thể được hiểu là hành vi công khai, nhanh chóng giật lấy tài sản của người khác và nhanh chóng tẩu thoát để tránh sự phản kháng của chủ tài sản hoặc người quản lý tài sản.

Ngoài ra, theo ý kiến của chuyên gia pháp lý thì hành vi cướp giật tài sản cũng có thể hiểu là hành vi lấy trộm hoặc chiếm đoạt tài sản của người khác mà không có sự đồng ý của họ. Tài sản này có thể là tiền bạc, đồ trang sức, điện thoại di động, ví tiền, hoặc bất kỳ tài sản có giá trị nào. Các đối tượng thực hiện hành vi cướp giật tài sản có thể sử dụng vũ khí hoặc các hình thức bạo lực, đe dọa để đạt được mục đích phạm tội.

Ngoài ra, hành vi này cũng thường xảy ra trong các tình huống bất ngờ, nơi tội phạm tận dụng sự bất ngờ của nạn nhân để thực hiện hành vi cướp giật khiến nạn nhân không kịp phản ứng. Điều này làm tăng mức độ nguy hiểm của hành vi này và làm gia tăng nguy cơ gây thương tổn cho nạn nhân.

Như trường hợp của vụ án trên, hậu quả của hành vi giật túi bà V.T.T của 2 đối tượng Đoàn Văn Lợi và Nguyễn Hồng Dung là khiến bà V.T.T bị ngã, phải đi cấp cứu và đã tử vong sau đó.

Căn cứ vào tình tiết 2 đối tượng gây ra vụ cướp giật khiến nạn nhân tử vong, theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017, nếu một người phạm tội “Cướp giật tài sản” mà làm chết người với lỗi vô ý thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp giật tài sản” với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Cũng theo khoản 5 tại Điều này (171), người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Ngoài ra, nếu trong quá trình điều tra, xác minh mà lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng gây án có các hành vi khác như tàng trữ hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thì đây cũng có thể là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Liên quan đến sự việc nêu trên, CA quận Hai Bà Trưng cũng đã có khuyến cáo người dân khi ra đường không nên mang theo túi xách, ví tiền, trang sức đeo bên người. Việc thực hiện các hành động trên có thể là sơ hở để các đối tượng có điều kiện hoạt động phạm tội; cung giờ sáng sớm hoặc đêm khuya thường là thời điểm tội phạm cướp, cướp giật tài sản hoạt động, người dân khi di chuyển nên đi từ 2 người; chú ý gương chiếu hậu, nếu phát hiện đối tượng nghi vấn cần tìm nơi có người để thêm sự trợ giúp…

Duy Minh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xu-ly-nhu-the-nao-cap-doi-cuop-giat-tai-san-gay-an-mang-356006.html