Xử lý ra sao các trường hợp chiếm đoạt tiền từ thiện, làm giả sao kê và 'đu trend' cứu trợ bão lũ?

Dù đóng góp và giúp sức với bất kỳ hình thức nào, người của công chúng nói riêng và người dân nói chung nên có sự tìm hiểu kĩ càng, không nên mang danh từ thiện cứu trợ để trục lợi ngay tại thời điểm khó khăn này, để dẫn đến những hành vi đánh bóng tên tuổi hay phô trương phản cảm...

Mới đây, trên Fanpage chính thức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố thống kê số tiền ủng hộ qua số tài khoản Vietcombank 0011.00.1932418 từ ngày 1/9 đến ngày 10/9.

Theo đó, sao kê dài 12.028 trang, thống kê chi tiết ngày, số tiền cũng như nội dung giao dịch của người dân, từ những giao dịch vài nghìn đồng đến hàng trăm triệu đồng, tất cả đều là tấm lòng của nhân dân cả nước để ủng hộ đến những đồng bào chịu ảnh hưởng do bão số 3.

Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam việc đăng tải 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3, nhằm bảo đảm tính minh bạch, giúp tất cả mọi người có thể theo dõi toàn bộ việc ủng hộ trong thời gian qua.

Tuy nhiên, sau khi bản sao kê này được công khai, trên mạng xã hội lập tức bàn luận xôn xao về chiêu trò chỉnh sửa hình ảnh của một số cá nhân để "thổi phồng" số tiền đã ủng hộ, nhằm đánh bóng tên tuổi trên mạng xã hội.

Nhiều trường hợp chụp màn hình giao dịch chuyển tiền, dùng các ký tự che đi các con số cụ thể nhưng thể hiện số tiền ủng hộ tương ứng với 8 hoặc 9 chữ số, đồng nghĩa số tiền đã chuyển được hiểu là hàng chục hoặc hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên khi kiểm tra lại với sao kê của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số tiền thực tế được ủng hộ chỉ là vài trăm nghìn thậm chí vài nghìn đồng.

Một trong những nhân vật được nhắc đến nhiều nhất từ tối qua là cựu vận động viên thể dục Louis Phạm (tên thật Phạm Như Phương). Cô bị cộng đồng mạng tố đã photoshop hóa đơn chuyển khoản đến Mặt trận Tổ quốc ủng hộ đồng bào một khoản tiền ít hơn rất nhiều so với con số thực.

Trước sự chỉ trích của cư dân mạng, Louis Phạm cũng nhanh chóng lên tiếng: "Có thể có những người tên giống mình chuyển khoản cùng một nội dung hoặc ai ghét mình chuyển khoản giống nội dung. Ngay từ đầu mình nói không công khai vì vậy mình vẫn sẽ không công khai ". Lời giải thích này của TikToker Louis Phạm tiếp tục gây sóng gió trên mạng xã hội.

Theo tìm hiểu, việc làm giả sao kê chuyển tiền rồi đăng công khai lên mạng xã hội mà chưa gây hậu quả xấu, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật về việc chuyển tiền từ thiện này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như tội đưa thông tin sai sự thật.

Cụ thể, theo quy định, tại Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

Nhưng đáng chú ý hơn, có những trường hợp kêu gọi chuyển tiền từ thiện nhưng lại không chuyển đúng số tiền được nhận. Đây có thể được xem là dấu hiệu ăn chặn tiền từ thiện của một số cá nhân, tập thể, tổ chức và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác rồi dùng thủ đoạn gian dối để bỏ trốn hoặc chiếm đoạt tài sản đó.

Trong trường hợp kêu gọi quyên góp tiền từ thiện, hành vi chiếm đoạt tài sản có thể là hành vi không thực hiện đúng cam kết ban đầu, cũng không trả lại số tiền đã quyên góp bằng các thủ đoạn gian dối như: rút bớt tài sản, giả mạo bằng chứng từ.

Người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù đến 12 năm.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Giao dịch vài nghìn đồng hay vài trăm triệu đồng đều là tấm lòng chia sẻ của hàng vạn người dân gửi gắm đến đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi gây ra. Đây là tinh thần, truyền thống chia sẻ trong lúc khó khăn hoạn nạn của người Việt.

Tuy nhiên, dù đóng góp và giúp sức với bất kỳ hình thức nào, người của công chúng nói riêng và người dân nói chung nên có sự tìm hiểu kỹ càng, không nên mang danh từ thiện cứu trợ để trục lợi ngay tại thời điểm khó khăn này, để dẫn đến những hành vi đánh bóng tên tuổi hay phô trương phản cảm.

Mới đây, thương hiệu Katinat đã đăng bài trên fanpage về việc chung tay hướng về miền Bắc. Katinat cho biết sẽ trích 1.000 đồng trên mỗi ly nước được bán ra tại hệ thống từ ngày 12/9 đến hết 30/9, đồng hành miền Bắc khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, sau bài đăng, Katinat đã nhận về nhiều phản ứng trái chiều.

Không ít bình luận tại bài đăng trên fanpage của chuỗi cà phê này cho rằng thương hiệu đang lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người dân miền Bắc để kích cầu hoạt động kinh doanh.

Sau đó, Katinat thông báo đã chuyển 1 tỷ đồng ủng hộ trực tiếp cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương. Đơn vị này gửi lời xin lỗi chân thành đến khách hàng khi thông qua cách truyền thông có những hiểu lầm dẫn đến những ý kiến trái chiều trong hoạt động chung tay cùng đồng bào vùng bão lũ.

Katinat khẳng định số tiền này dự kiến được trích ra từ 1 triệu ly nước ước tính sẽ phục vụ trong 19 ngày trên toàn hệ thống từ 12/9 đến hết 30/9.

Đại diện chuỗi cà phê này cho biết đến ngày 1/10, doanh nghiệp sẽ cập nhật số tiền thực tế được trích ra trong giai đoạn từ 12/9 đến hết 30/9 và công bố công khai. Trong trường hợp nhiều hơn 1 triệu ly nước được phục vụ, doanh nghiệp sẽ trích bổ sung và tiếp tục đóng góp cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Kiều Anh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/xu-ly-ra-sao-cac-truong-hop-chiem-doat-tien-tu-thien-lam-gia-sao-ke-va-du-trend-cuu-tro-bao-lu-post554645.html