Xử lý ra sao nếu trâu thả rông tông người đi đường?
Theo luật sư, nếu bị xác định có lỗi, chủ sở hữu, người chiếm hữu gia súc phải bồi thường thiệt hại sức khỏe cho nạn nhân. Ngoài ra, trách nhiệm hình sự cũng có thể được xem xét.
Nếu trâu thả rông húc người đi đường, ai phải chịu trách nhiệm? Và ngoài trách nhiệm dân sự, chủ sở hữu vật nuôi có bị xem xét trách nhiệm hình sự không?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa
Trường hợp này, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại sẽ là căn cứ xác định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên.
Nếu thiệt hại do vật nuôi gây ra (chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng vật nuôi không kiểm soát được, để vật nuôi gây thiệt hại) thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng vật nuôi phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Nếu thiệt hại do lỗi hoàn toàn của nạn nhân; do sự kiện bất khả kháng hay những trường hợp khác quy định trong Bộ luật dân sự 2015, chủ vật nuôi sẽ không phải bồi thường.
Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi, ví dụ như chăn trâu không phải của mình và để xổng dẫn tới tai nạn, thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại. Nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Nếu súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường. Nếu người này và chủ súc vật đều có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Từ những căn cứ trên, điều đầu tiên cần xác định yếu tố lỗi trong trường hợp này thuộc về người chiếm hữu gia súc, nạn nhân hay lỗi hỗn hợp. Về chủ thể, cần xác định người chiếm hữu, sử dụng súc vật trước thời điểm xảy ra tai nạn là ai. Nếu người đó không phải chủ súc vật, cần xem xét chủ sở hữu có lỗi trong trường hợp này hay không, từ đó xác định trách nhiệm bồi thường và liên đới bồi thường trong trường hợp này.
Về mức bồi thường, Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định chi phí bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm những chi phí như chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc nạn nhân trong thời gian điều trị. Nếu nạn nhân mất khả năng lao động, cần có người thường xuyên chăm sóc, thiệt hại sẽ bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc nạn nhân.
Ngoài ra, chủ gia súc còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho nạn nhân. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận nhưng không được quá 50 lần mức lương cơ sở, tức 74,5 triệu đồng.
Về trách nhiệm hình sự, cơ quan chức năng sẽ phải đánh giá cẩn trọng các yếu tố chủ quan, khách quan, chủ thể, khách thể của sự việc. Nếu đủ căn cứ, cộng với việc gia đình nạn nhân có đơn yêu cầu, chủ gia súc hoặc người chiếm hữu có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Vô ý gây thương tích (Điều 138) hoặc Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người (Điều 295) thuộc Bộ luật Hình sự 2015.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xu-ly-ra-sao-neu-trau-tha-rong-tong-nguoi-di-duong-post1400219.html