Xử lý ra sao với những thầy giáo 'gạ tình' nữ sinh?

Thời gian qua đã xảy ra các vụ việc như thầy giáo nhắn tin 'gạ tình', có lời lẽ khiếm nhã đối với nữ sinh 'thầy tán em có được không', thậm chí bị tố cáo có quan hệ với nữ sinh. Những hành vi đó được xử lý ra sao dưới nhiều góc độ nghề nghiệp, pháp luật?

Thời gian qua xảy ra một số vụ việc giáo viên tán tỉnh, động chạm chỗ nhạy cảm nữ sinh. Ảnh: minh họa

Thời gian qua xảy ra một số vụ việc giáo viên tán tỉnh, động chạm chỗ nhạy cảm nữ sinh. Ảnh: minh họa

Hãi hùng chuyện thầy giáo tán tỉnh, yêu học sinh

Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đang làm rõ, xem xét kỷ luật đối với một giáo viên của Trường THPT Cao Thắng, TP Huế khi trước đó, Sở nhận được đơn tố cáo của phụ huynh học sinh về việc thầy H - giáo viên dạy Thể dục đã có lời lẽ khiếm nhã đối với một nữ sinh lớp 10. Theo đơn tố cáo, trong tiết học Thể dục, thầy H đã nói với một nữ sinh bằng lời lẽ không đúng chuẩn mực như "Thầy tán em được không?", nói học sinh "hàng to". Thậm chí, thầy H đã có hành vi bóp má nữ sinh này dù không được sự đồng ý. Sau đó, nhà trường đã tạm đình chỉ dạy đối với thầy H để tiếp tục làm rõ.

Vào tháng 11, cộng đồng mạng liên tục "sốc" khi chứng kiến nhiều hình ảnh thân mật của thầy giáo với nữ sinh từ lớp 11 (hiện đang học lớp 12) ở xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cùng hai trang thư được cho là của nữ sinh này trên mạng xã hội. Thầy giáo bị tố có quan hệ tình dục với nữ sinh là N.V.C (55 tuổi) - giáo viên dạy Toán của Trường THPT Sóc Sơn (huyện Hòn Đất), đã có gia đình. Nữ sinh trong vụ việc tên là T.H.Th (SN 31/12/2002) khi đó Th chưa đủ 16 tuổi. Ngày 25/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hòn Đất đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với N.V.C với tội danh "Giao cấu người dưới 16 tuổi".

Là người quan tâm đến vấn đề giáo dục những năm qua, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: "Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc thầy giáo đi quá giới hạn với nữ sinh. Thậm chí, có những vụ việc thầy giáo bị khởi tố về hành vi dâm ô, quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi mà nạn nhân là các nữ sinh khiến nhiều phụ huynh lo lắng, xã hội bất an. Giáo viên là nghề nghiệp đòi hỏi nhiều đức tính đặc thù trong đó, bởi phải luôn giữ gìn đạo đức, lối sống, phải chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử, là hình mẫu để các em học sinh noi theo. Những vụ việc vừa qua cho thấy đạo đức của một bộ phận thầy giáo đang xuống cấp nghiêm trọng, không xứng đáng đứng trên bục giảng.

Còn theo thầy Trần Mạnh Tùng – Giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), các vi phạm về đạo đức nhà giáo thời gian qua là cá biệt, là thiểu số trong hàng triệu tấm gương sáng của các thầy, các cô đang hàng ngày mang con chữ, nuôi tâm hồn trong sáng cho các em. Tuy nhiên, các vi phạm vừa qua xảy ra liên tục trong một thời gian ngắn, bất chấp truyền thông đã thông tin và lên án gay gắt phần nào cho thấy một bộ phận thầy giáo đang coi nhẹ đạo đức nghề giáo.

Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Cũng theo thầy Trần Mạnh Tùng, trong Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT về "Đạo đức nhà giáo", Điều 4 nhấn mạnh giáo viên tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo, có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với người học. Giáo viên có quan hệ yêu đương, hay tán tỉnh học sinh vị thành niên là vi phạm đạo đức của ngành, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh giáo viên nói chung trước học sinh, trước phụ huynh và dư luận xã hội. Ngoài ra, nếu đi quá giới hạn, giáo viên còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Giao cấu với người chưa thành niên".

Để khắc phục hiện tượng giáo viên "lệch lạc" trong quan hệ với học sinh, theo thầy Trần Mạnh Tùng, các nhà trường, cần tổ chức các buổi sinh hoạt chung với giáo viên để rút kinh nghiệm các sự việc vừa rồi, để phổ biến, học tập các quy định của ngành, của pháp luật có liên quan. Coi việc đánh giá về đạo đức, lối sống của giáo viên là một tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá cán bộ, viên chức. Mỗi giáo viên cần không ngừng học hỏi, rèn luyện để trở thành tấm gương sáng về cả chuyên môn và tư cách đạo đức, hành vi ứng xử và lối sống.

"Ngoài ra, các trường cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường hoạt động độc lập với nhà trường, thành viên là các chuyên gia tâm lý. Cần tổ chức cho các em học tập về các quyền của trẻ em, quyền của học sinh, các hành vi chuẩn mực của học sinh trong nhà trường cũng như tăng cường các kênh nhận thông tin của học sinh, tăng tính dân chủ trong trường học. Mỗi Sở Giáo dục nên có số máy "đường dây nóng" để phản ánh các vi phạm về đạo đức nhà giáo", thầy Trần Mạnh Tùng chia sẻ thêm.

Còn theo ý kiến của một số chuyên gia giáo dục, sau hàng loạt vụ việc vừa qua dù chỉ là số ít giáo viên, song cũng đáng để báo động tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Đã đến lúc ngành Giáo dục ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của giáo viên, cũng cần phải thực hiện hoạt động kiểm tra, rà soát, thanh lọc đội ngũ giáo viên, loại bỏ những giáo viên không xứng đáng đứng trên bục giảng.

Theo Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở Giáo dục mầm non, cơ sở Giáo dục phổ thông, cơ sở Giáo dục thường xuyên có nêu rõ, đối với giáo viên ứng xử với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.

Quang Huy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/xu-ly-ra-sao-voi-nhung-thay-giao-ga-tinh-nu-sinh-20191213194612352.htm