Xử lý rác ở âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng mới giải quyết phần ngọn
Giải pháp của TP Đà Nẵng chọn là xã hội hóa trong thu gom rác ở âu thuyên Thọ Quang mới giải quyết được phần ngọn, để xử lý triệt rác thải và mùi hôi cần có biện pháp kiểm soát nguồn thải và nạo vét bùn.
Âu thuyền Thọ Quang là một trong những “điểm nóng” về rác thải và ô nhiễm môi trường kéo dài ở thành phố Đà Nẵng. Năng lực thu gom, xử lý rác của đơn vị quản lý không đáp ứng, vì vậy thành phố Đà Nẵng có chủ trương xã hội hóa, giao một đơn vị chuyên nghiệp đủ năng lực thu gom. Chỉ thời gian ngắn triển khai, môi trường ở âu thuyên Thọ Quang được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ mới giải quyết phần ngọn, để xử lý triệt rác thải và mùi hôi cần có biện pháp kiểm soát nguồn thải và nạo vét bùn.
Công suất âu thuyền Thọ Quang thành phố Đà Nẵng hơn 400 tàu nhưng có những thời điểm phải tiếp nhận hơn 1000 chiếc khiến khu neo đậu quá tải. Lượng rác thải từ hoạt động của tàu cá, chợ hải sản, các xưởng đóng tàu và khu dân cư đã biến âu thuyền thành “túi” đựng rác không lồ, ô nhiễm kéo dài.
Ông Phạm Trung Thành, Phó Trưởng Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, mỗi năm thành phố phân bổ cho đơn vị hơn 600 triệu đồng để thu gom rác, xử lý vệ sinh môi trường. Bình quân, mỗi năm đơn vị thu gom khoảng 1.600-1.700 tấn rác thải nhưng chỉ xử lý một phần lượng rác xả ra. Trước tình trạng này, thành phố có chủ trương xã hội hóa công tác thu gom rác, giao đơn vị đủ năng lực thu gom. Để có cơ sở lập dự án đấu thầu thu gom rác, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội-Chi nhánh miền Trung triển khai thu gom trong vòng 3 tháng, từ ngày (9/2 đến 9/5) với kinh phí thu gom 1 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Trung Thanh, Phó Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, đây là đơn vị chuyên nghiệp có đầy đủ nhân lực và phương tiện nên việc thu gom xử lý rác tại âu thuyền Thọ Quang đã cải thiện hơn trước rất nhiều.
“Thực trang lượng rác ở âu rất nhiều, trong khi nguồn nhân lực, vật lực không đáp ứng đủ, thì việc có một đơn vị chuyên nghiệp duy trì công tác dọn vệ sinh thường xuyên là rất tốt. Còn ban quản lý sẽ thực hiện các nhiệm vụ khác như tăng cường giám sát thường xuyên về vị trí, khối lương thu gom, kèm theo các biện pháp quản lý nguồn xả thải của các chủ tàu”, ông Thanh cho hay.
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Chi nhánh miền Trung đã huy động công nhân và phương tiện cơ giới tiến hành tổng dọn vệ sinh, phun Cloramin B khử trùng toàn bộ khu vực âu thuyền Thọ Quang để diệt vi khuẩn, ấu trùng cũng như khử mùi hôi tồn đọng lâu năm nhằm giảm ô nhiễm môi trường nước và không khí xung quanh. Chỉ hơn 20 ngày đầu ra quân tiến hành thu gom xử lý, hàng chục tấn rác thải: chai lọ nhựa, thùng xốp, bao tải, phế phẩm hải sản, xà bần được thu gom. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc thu gom chỉ là giải quyết phần ngọn, phải có biện pháp quản lý việc xả thải và nạo vét lớp bùn lắng đọng mới giảm được mùi hôi.
Ông Trần Văn Trường, ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà đề nghị: “Rác, vệ sinh môi trường do tàu cá xả xuống. Có rác rến thì bỏ hết trên tàu rồi đem vào một vị trí bỏ, chứ cứ xả như thế này thì thu dọn không thể hết được. Mùa hè, ở đây mùi hôi rất khó chịu, bùn từ dưới đáy bốc mùi hôi, dân ở đây họp cũng đã nhiều lần đề nghị bên môi trường xử lý cho hết mùi hôi”.
Âu thuyền Thọ Quang có chu vi hơn 4000m, nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động lại không có hàng rào cứng nên việc kiểm tra, giám sát xả thải rác rất khó. Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đang xây dựng Đề án giảm rác thải từ tàu cá xuống âu thuyền, phối hợp với cảnh sát môi trường, Đồn Biên phòng Sơn Trà triển khai kiểm soát tàu thuyền ra vào cảng. Chủ tàu trước khi xuất bến hoặc cập cảng phải bàn giao lượng rác sinh hoạt trên tàu cho Ban quản lý mới được cấp lệnh xuất, cập bến. Đơn vị đề xuất thành phố lập hàng rào cứng, trồng cây xanh đối với vị trí không có cư dân, lắp đắt camera giám sát việc xả thải của các doanh nghiệp triền đà đóng mới, sửa chữa tàu thuyền.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện lớp bùn dưới đáy âu thuyền dày gần cả mét do lâu ngày không được nạo vét triệt để nên bốc mùi hôi. UBND thành phố đã ban hành kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang giai đoạn 2020-2025 với tổng kinh phí hơn 27 tỷ đồng. Theo đó, sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm: hệ thống thu gom nước mưa, nước thải riêng biệt vào khu vực cầu cảng và khu chợ đầu mối, xây dựng, cải tạo và vận hành hệ thống xử lý nước thải tại khu dịch vụ và chợ đầu mối thủy sản.
"Âu thuyền Thọ Quang thuộc quyền quản lý của biên phòng, ban quản lý cảng cá, nhiều đơn vị chịu trách nhiệm. Việc ô nhiễm tại đây, riêng neo đậu tại âu thuyền, bình quân mỗi ngày khoảng 500 chiếc. Khi thuyền vào neo đậu xả thải trực tiếp ra môi trường. Còn rác từ hoạt động của âu thuyền, từ cảng cá, kể cả từ Khu công nghiệp Thọ Quang. Sở đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành quyết định kế hoạch xử lý ô nhiễm âu thuyền Thọ Quang giai đoạn 2020-2025, đặt ra 5 năm để giải quyết vấn đề này", ông Hùng thông tin./.