Xử lý rác thải y tế của F0 điều trị tại nhà: Cần hơn nữa ý thức của người dân!

COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng tăng cao. Giải pháp cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhẹ, không có triệu chứng được cách ly, điều trị tại nhà đã góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là nguồn rác thải y tế từ các ca bệnh này đã được thu gom, xử lý theo đúng quy định hay chưa?

 Nhiều gia đình có bệnh nhân FO điều trị tại nhà để lẫn rác thải y tế trong rác sinh hoạt, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh -Ảnh: T.N

Nhiều gia đình có bệnh nhân FO điều trị tại nhà để lẫn rác thải y tế trong rác sinh hoạt, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh -Ảnh: T.N

Buổi sáng dậy sớm đi tập thể dục, chị N.T.L., phường Đông Lương, TP. Đông Hà thường bắt gặp hình ảnh khẩu trang, que test nhanh nằm vương vãi trong các thùng rác của một số gia đình đặt phía trước cổng. Nguyên nhân là do các gia đình đó đặt bao đựng rác vào thùng nhưng không gói ghém kỹ, dẫn đến ban đêm thường bị các con vật bới lên tìm thức ăn. Cũng có một số trường hợp do người đi lượm rác lục tìm các vật liệu có thể bán được nhưng sau đó không buộc lại kỹ càng. “Không biết các gia đình đó có bệnh nhân F0 hay không nhưng hình ảnh đó rất mất vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm”, chị L. cho biết.

Cả 3 người trong gia đình chị P.T.T. ở Phường 5 đều bị nhiễm COVID-19 được cách ly, điều trị tại nhà. Chị T. chia sẻ, dù nhà chỉ có 3 người và cả 3 đều bị nhiễm cùng thời gian nên không phải lo các thành viên khác lây nhiễm. Tuy nhiên các nguồn rác thải như: Khẩu trang, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, găng tay... đều được chị phân loại bỏ riêng vào túi nilon buộc lại trước khi mang ra cho nhân viên môi trường thu gom. Tuy nhiên, không phải gia đình nào có F0 cũng có ý thức như vậy.

Một nhân viên thu gom rác cho biết số hộ có ý thức phân loại rác thải y tế là không nhiều. Khu vực người này đảm nhận thu gom rác thải nhiều nhà không căng dây, treo biển nên không thể phân biệt được nhà nào có bệnh nhân COVID-19. Trong khi đó, chỉ một số ít hộ phân loại rác thải y tế, rác thải sinh hoạt để nhân viên thu gom rác nhận biết, còn lại đa số các gia đình bỏ khẩu trang, mẫu xét nghiệm nhanh, găng tay y tế... vào chung trong rác thải sinh hoạt thông thường. Để đảm bảo an toàn cho chính mình, nhân viên thu gom rác phải đeo thêm lớp khẩu trang và găng tay mỗi khi làm nhiệm vụ.

Hiện nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng lên hằng ngày dẫn đến F0 điều trị tại nhà tăng. Việc thu gom, xử lý rác thải y tế của các ca F0 tại nhà vì thế cũng rất quan trọng, nếu không xử lý cẩn thận thì đây sẽ là nguồn lây nhiễm cao. Ngày 27/2/2022, Bộ Y tế đã có Công văn số 922/BYT-MT về việc tăng cường quản lý chất thải đối với các trường hợp mắc COVID-19 quản lý tại nhà. Theo đó, quần áo thải bỏ, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của F0, người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 bị thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm, cần phải được phân loại, thu gom và xử lý theo đúng quy định về chất thải y tế lây nhiễm. Tức là rác phải được thực hiện phân loại và khử khuẩn trước khi nhân viên môi trường đến thu gom, xử lý. UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý chất thải đối với các trường hợp F0 quản lý tại nhà.

Tuy nhiên trên thực tế, có nhiều người nhiễm COVID-19 nhưng không khai báo hoặc có khai báo, được hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt của F0 nhưng không quan tâm thực hiện vì không muốn mất thời gian hay phải sắm thêm thùng đựng rác riêng... Bà N.T.T., phường Đông Lương, TP. Đông Hà cho biết, vừa qua cả 4 người trong gia đình bà lần lượt bị COVID-19. Vì có triệu chứng nhẹ nên tất cả đều được cách ly điều trị tại nhà và tuân thủ các quy định như đeo khẩu trang khi ra khỏi phòng; sinh hoạt riêng biệt ở tầng hai... Tuy nhiên về rác thải y tế thì bà L. vẫn bỏ chung vào thùng chứa rác sinh hoạt thông thường. Cả quá trình cách ly, gia đình bà L. thải ra vài chục chiếc khẩu trang và một số dụng cụ y tế (găng tay, kit test) đã qua sử dụng. Tuy nhiên, theo bà L., việc bỏ chung rác thải y tế với rác thải thông thường không vấn đề gì, vì dù sao chúng cũng là rác thải và được bà gói lại cẩn thận trước khi cho vào thùng rác.

Theo ông Lê Văn Phúc, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị TP. Đông Hà, thời gian trước đây, đơn vị luôn có sự phối hợp với lực lượng y tế để phun, khử khuẩn các khu vực có bệnh nhân COVID-19 như khu vực phong tỏa, cách ly. Sau khi khử khuẩn xong thì công ty điều xe đến thu gom rác thải y tế đến khu vực xử lý riêng, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, các ca mắc COVID-19 được cách ly, điều trị tại nhà tăng cao và nhiều trong số đó lại không khai báo y tế, không giăng dây, treo biển dẫn đến việc thu gom, xử lý rác thải gặp khó khăn khi rác thải y tế lẫn trong rác thải sinh hoạt. “Hiện nay, với các gia đình có giăng dây, treo biển nhà có bệnh nhân COVID-19 thì đơn vị từ chối thu gom. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, do nhiều gia đình không khai báo y tế, không giăng dây, treo biển và thực hiện việc phân loại rác thải tại nhà nên nhân viên thu gom rác phải đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm”, ông Phúc cho biết.

Trong bối cảnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, bên cạnh nỗ lực của các cấp, ngành liên quan, rất cần sự chung tay, góp sức của mỗi người dân, mỗi gia đình, đặc biệt là những người bệnh và gia đình có F0 điều trị tại nhà. Mọi người nên tự tìm hiểu và thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm, nhằm tránh những rủi ro lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Thủy Ngọc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=165720&title=xu-ly-rac-thai-y-te-cua-f0-dieu-tri-tai-nha-can-hon-nua-y-thuc-cua-nguoi-dan