Xử lý tài sản do phạm tội mà có đã mang đi trả nợ: giải quyết như thế nào cho đúng?
Trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý vật chứng, VKSND quận Kiến An đã gặp phải nhiều cách hiểu khác nhau trong việc xử lý tài sản người phạm tội đã chiếm đoạt, sau đó đã mang đi trả nợ cho người thứ ba.
Cụ thể đối với vụ án như sau: Khoảng 23h ngày 27/1/2019, Nguyễn Quang A đã đột nhập vào nhà ông Trần Thành X trộm cắp số tiền là 50 triệu đồng. Quá trình điều tra, Nguyễn Quang A khai nhận đã trả nợ cho Nguyễn Quang B 40 triệu đồng trong số tiền đã trộm cắp (không chứng minh được B biết và liên quan đến hành vi phạm tội của A), số tiền còn lại Nguyễn Quang A đã tiêu xài cá nhân hết.
Nguyễn Quang B cũng thừa nhận việc này, B đã tiêu xài hết 40 triệu trên và không đồng ý trả lại số tiền này cho ông X vì cho rằng đây là số tiền A trả nợ cho B, A mới phải là người có trách nhiệm bồi thường cho ông X.
Vậy hướng giải quyết đối với số tiền 40 triệu đồng trên như thế nào? Trong thực tế đã xuất hiện 2 quan điểm trái chiều:
Quan điểm thứ nhất, căn cứ Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Số tiền 40 triệu đồng Nguyễn Quang B đã tiêu hết, đây là trường hợp vật chứng không thu hồi được, kể cả hiện tại tài sản của B có đủ số tiền 40 triệu nhưng số tiền 40 triệu này cũng không phải vật chứng của vụ án (không trùng seri, không mang dấu vết tội phạm, không có giá trị chứng minh tội phạm, cũng không có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án).
Do đó, không thể áp dụng quy định về xử lý vật chứng tại Điều 106 BLTTHS. Trường hợp này chỉ có thể giải quyết theo yêu cầu bồi thường của ông Trần Thành X.
Mặt khác, B nhận số tiền trên từ A do A nợ B, B không biết số tiền này do A phạm tội mà có, do đó B thuộc trường hợp chiếm hữu ngay tình quy định tại Điều 180 BLDS (điều luật quy định “Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”). Do đó, B không có trách nhiệm phải trả lại 40 triệu nói trên. Nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp này thuộc về A.
Quan điểm thứ hai, căn cứ Khoản 2, Điều 47 BLTTHS: “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp...”. Như vậy, mặc dù Nguyễn Quang B không biết và không có trách nhiệm phải biết số tiền 40 triệu đồng là do A phạm tội mà có, nhưng thực tế số tiền mà B đã nhận từ A đúng là do phạm tội mà có, do đó B phải có trách nhiệm trả lại cho chủ sở hữu số tiền trên.
Chúng tôi nghiêng về quan điểm thứ hai, bởi trong vụ án trên, quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại phải được ưu tiên trước tiên, giải quyết như quan điểm thứ nhất sẽ dẫn đến tiền lệ xấu trong việc tẩu tán tài sản do phạm tội mà có, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại. Đối với việc A nợ B số tiền 40 triệu đồng sẽ được giải quyết trong vụ án dân sự khác nếu B có yêu cầu.
Chúng tôi rất mong được trao đổi cùng các đồng nghiệp đối với vướng mắc như trên./.