Xử lý tài sản hình thành từ hạng mục đầu tư hai cảng thủy nội địa
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về phương án xử lý tài sản hình thành từ các hạng mục đầu tư nâng cấp các cảng thủy nội địa Việt Trì và Ninh Phúc thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6).
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu ý kiến của các bộ; trên cơ sở đó, chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan chủ động tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện, bảo đảm nguyên tắc bảo toàn vốn của Nhà nước theo đúng quy định. Thủ tướng cũng giao Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan làm rõ dấu hiệu vi phạm khi thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy và xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
PV
Bình Dương tổ chức hội nghị kết nối cung cầu nông sản
Ngày 31-10, tại TP Thủ Dầu Một, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản tỉnh Bình Dương năm 2019”. Hội nghị nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và chủ trang trại, hợp tác xã, hệ thống phân phối, tập đoàn bán lẻ, doanh nghiệp xuất khẩu…, gặp gỡ trực tiếp để trao đổi, tìm hiểu sản phẩm, hợp tác giao thương, mở rộng thị trường, chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ, thúc đẩy cùng nhau phát triển. Hội nghị thu hút 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của Bình Dương và các địa phương tham gia, cùng 100 gian hàng giới thiệu sản phẩm.
PV
Tiếp cận đa chiều khi tính lại GDP
Sáng 31-10, tại Hà Nội, Trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “Đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế - Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều”.
Chung quanh báo cáo giải trình của Tổng cục Thống kê về lý do, phương pháp và đánh giá tác động của việc tính lại quy mô GDP, các ý kiến tham luận tại tọa đàm đã tập trung làm rõ và thống nhất khẳng định: Việt Nam tính lại GDP lần này là đúng thời điểm. Việc đánh giá lại quy mô GDP được Tổng cục Thống kê thực hiện dựa trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn diện, tính lịch sử, so sánh, thống nhất về quy trình và phương pháp tính theo thông lệ quốc tế, với sự trợ giúp tích cực của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) và chuyên gia của Liên hợp quốc. Kết quả đánh giá lại quy mô GDP trong 10 năm, từ 2007 - 2017 đã khiến quy mô nền kinh tế tăng 24,6%. Kết quả này phản ánh xác thực hơn chất lượng tăng trưởng, năng lực của nền kinh tế; đồng thời là căn cứ để các cơ quan chức năng đề xuất, xây dựng Chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Một số ý kiến cũng cho rằng: Sự thay đổi quy mô GDP nêu trên cho thấy khả năng mở rộng dư địa cho tăng thu ngân sách và vay nợ của Chính phủ; đồng thời cho thấy, tăng chi giáo dục, y tế và khoa học - công nghệ có thể đạt mức kế hoạch đặt ra…