Xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU: Không có ngoại lệ

Thực hiện cao điểm thực thi pháp luật thủy sản, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi sẽ xử phạt 100% các hành vi khai thác IUU được phát hiện, không có trường hợp ngoại lệ.

Để triển khai có hiệu quả việc chống khai thác IUU, góp phần cùng với cả nước gỡ cảnh báo thẻ vàng, thời gian tới, bên cạnh việc vừa tuyên truyền, vận động, Quảng Ngãi sẽ kiểm soát ngăn chặn, xử lý kịp thời trong bờ và trên biển, kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài.

Chấm dứt vi phạm khai thác IUU

Địa phương sẽ tập trung nguồn lực theo dõi, kiểm soát, quản lý hoạt động tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản, xử phạt triệt để các hành vi vi phạm khai thác IUU; hướng dẫn từng chủ tàu thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép và cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

 Ngư dân Quảng Ngãi đưa đá xuống hầm chứa để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt. Ảnh: NT

Ngư dân Quảng Ngãi đưa đá xuống hầm chứa để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt. Ảnh: NT

Cùng với đó là tổng kiểm tra, rà soát, đưa vào quản lý toàn bộ tàu cá trên địa bàn, đảm bảo nắm chắc thực trạng; thống nhất số liệu tàu cá, cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia.

Các cơ quan, đơn vị cũng kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến, kiên quyết ngăn chặn, xử lý các tàu cá không đủ điều kiện cố tình tham gia hoạt động khai thác thủy sản; giám sát 24/24 giờ tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống VMS; lập danh sách theo dõi, xử lý 100% các tàu cá vi phạm quy định về VMS; giám sát 100% sản lượng thủy sản từ khai thác tại địa phương.

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản. Kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu, bảo đảm hồ sơ đầy đủ, hợp pháp; đặc biệt tập trung vào các lô hàng đối với các loài cá ngừ vây vàng, mắt to, cá cờ kiếm.

Thông tư 06/2024 của Bộ NN&PTNT cho phép tàu cá “ba không” không đủ thành phần hồ sơ được đăng ký, đăng kiểm và cấp phép khai thác thủy sản.

Thực hiện cao điểm công tác thực thi pháp luật, xử phạt 100% các hành vi khai thác IUU được phát hiện, không có trường hợp ngoại lệ, trong đó tập trung tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác IUU. Cùng với đó là điều tra, xác minh, xử phạt 100% các trường hợp vi phạm mất kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển, vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tàng trữ hoặc lưu giữ, gửi thiết bị VMS…

Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 06/2024 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2018) quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá. Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, thông tư này là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết dứt điểm các tồn tại về tàu cá “ba không”.

 Bộ đội biên phòng phát tuyên truyền về chống khai thác IUU cho ngư dân. Ảnh: MT

Bộ đội biên phòng phát tuyên truyền về chống khai thác IUU cho ngư dân. Ảnh: MT

Giải quyết dứt điểm tàu cá “ba không”

Quảng Ngãi đã tích cực hỗ trợ ngư dân trong việc đăng ký, đăng kiểm, cấp phép cho những tàu cá trước đây đóng mới không khai báo, đăng ký nhằm sớm giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá “ba không” (những tàu cá không đăng ký nên không có giấy phép khai thác hay đăng kiểm).

Qua rà soát của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, những tàu cá này do người dân đóng tự phát từ lâu hoặc mua từ các tỉnh, thành khác nhưng không làm thủ tục chuyển đổi hoặc không có hồ sơ nguồn gốc hợp lệ nên không làm thủ tục đăng ký được.

Sau Thông tư 06/2024 của Bộ NN&PTNT được ban hành, Sở NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với bộ đội biên phòng và những địa phương ven biển tuyên truyền, hướng dẫn để ngư dân khẩn trương thực hiện các thủ tục; đồng thời có văn bản hướng dẫn các địa phương khẩn trương hỗ trợ ngư dân thực hiện hồ sơ thủ tục theo quy định.

Thông tư 06 cho phép tàu cá đóng mới, cải hoán, mua bán, tặng cho nhưng không đủ thành phần hồ sơ được đăng ký, đăng kiểm và cấp phép khai thác thủy sản. Trong số 700 tàu cá thuộc đối tượng điều chỉnh của thông tư, cơ quan chức năng đã phân thành hai nhóm tàu để thực hiện thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản.

Điển hình, tại cảng cá Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, lực lượng biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương lập các tổ để gặp từng chủ tàu cá “ba không” nhằm hướng dẫn họ làm hồ sơ, thủ tục đăng ký tàu cá.

“Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký tàu cá thuộc diện trên chỉ kéo dài đến hết ngày 31-12-2024. Sau đó, những tàu dù đủ điều kiện nhưng không thực hiện các thủ tục đăng ký sẽ không được xem xét, giải quyết. Đây là cơ hội cuối cùng cho các tàu cá “ba không” thực hiện các hồ sơ pháp lý theo đúng quy định để có thể vươn khơi bám biển” - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương nhấn mạnh.•

Nguyên Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước thăm hỏi, trao những phần quà thiết thực đến gia đình ngư dân Tiền Giang. Ảnh: TV

Hôm nay, “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến Quảng Ngãi

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ đến với bà con ngư dân Quảng Ngãi với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Hôm nay (29-6), Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp Luật TP.HCM sẽ đến Quảng Ngãi. Ban Tổ chức chương trình sẽ phối hợp cùng với chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, nâng cao nhận thức pháp luật, góp phần tháo gỡ thẻ vàng IUU.

Quảng Ngãi là địa phương có biển thứ 13 mà báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình này.

Chương trình có sự tham dự của ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch danh dự của chương trình; lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi; lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khu vực miền Nam; các cơ quan thực thi pháp luật trên biển cùng các sở, ban ngành, các đơn vị, huyện ủy, UBND các huyện và đông đảo bà con ngư dân địa phương.

Tại hội trường Nhà khách T50, TP Quảng Ngãi, Ban Tổ chức sẽ trao tặng 200 phần quà cho ngư dân (mỗi phần quà trị giá hơn 5 triệu đồng), gồm: Bình ắc quy, đèn LED, túi thuốc, cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, hộp combo pin Con Ó, cuộn dây thừng chuyên dụng và phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng.

Trong chương trình, Ban Tổ chức cũng dành tặng 25 suất học bổng cho các em học sinh ở những gia đình ngư dân vượt khó học giỏi; đồng thời trao thêm một suất học bổng đặc biệt dành cho một học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có điểm tiếng Anh cao nhất và năm máy tính bảng cho năm học sinh vượt khó học giỏi tại địa phương.

Trước đó, sau lễ ra mắt vào tháng 4-2023, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã đến tổ chức tại 12 tỉnh, thành, gồm: TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Đà Nẵng, Thanh Hóa và Tiền Giang với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Qua 12 tỉnh, thành, chương trình đã trực tiếp thăm hỏi, tặng 2.300 phần quà cho ngư dân (trị giá hơn 10 tỉ đồng) để kết nối, lắng nghe, chia sẻ và động viên bà con ngư dân của các tỉnh, thành vững tâm, vươn khơi bám biển đúng luật. Chương trình cũng đã trao tặng gần 400 suất học bổng (trị giá hơn 1 tỉ đồng) và rất nhiều phần quà giá trị khác như dụng cụ học tập, sữa, thực phẩm cho con em ngư dân vượt khó học giỏi.

Chương trình mong muốn với những hoạt động thiết thực sẽ góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của ngư dân khi đánh bắt trên biển; chung tay cùng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương cấp bách tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam; là cầu nối để cộng đồng xã hội cùng hỗ trợ ngư dân an tâm bám biển; bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

BAN TỔ CHỨC

HẢI MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/xu-ly-tau-ca-vi-pham-khai-thac-iuu-khong-co-ngoai-le-post797978.html