Xử lý thanh thiếu niên tụ tập, gây rối trật tự công cộng - Cần giải pháp căn cơ
Gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, và tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật khác; đó là hiện tượng thanh thiếu niên mang theo hung khí 'diễu phố', chạy xe tốc độ cao. Và, hiện tượng ấy đang được lực lượng Công an thành phố Hà Nội quyết liệt triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh...
Con trẻ vi phạm, người lớn...lo
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội, trong năm 2023, toàn thành phố phát hiện 98 vụ việc do nhóm đông các đối tượng điều khiển xe máy thành đoàn, chạy tốc độ cao, lạng lách đánh võng, điều khiển xe máy mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng.
Số vụ việc này xảy ra ở nhiều quận, huyện, từ địa bàn trung tâm như Hoàn Kiếm, đến khu vực xa như huyện Ba Vì...
Nhiều bậc phụ huynh lo lắng, sợ con em mình bị lôi kéo, đua đòi theo chúng bạn. Số khác thì bức xúc vì không biết những nhóm thanh thiếu niên trẻ tuổi này sẽ làm gì trong trạng thái phấn khích.
“Đọc các bài báo, xem những clip mà tôi cảm thấy rất buồn, không hiểu sao lại có một bộ phận thế hệ trẻ thiếu hiểu biết, nhận thức kiến thức pháp luật đến vậy. Rồi đây, khi các cháu vướng vòng lao lý, ra tù sẽ làm gì hay lại tiếp tục con đường phạm tội? Quá đáng tiếc cho cuộc đời một con người” - Chị Thu Hương, 44 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ.
Có con bị bắt vì tội gây rối trật tự công cộng, chị Nguyễn Thị Q., 40 tuổi, trú tại tỉnh Hưng Yên chia sẻ, bản thân chị cảm thấy rất đau lòng vì con trai học lớp 11 đua đòi, lấy xe máy của gia đình đi tụ tập.
“Lần đầu cháu bị bắt nhưng chỉ xử lý vi phạm hành chính, gia đình đã lên đón cháu về và cũng cam kết không tái phạm. Nhưng do tính chất công việc, không có nhiều thời gian để ý tới con nên cháu lại tái phạm. Nhìn con vướng vào pháp luật, gia đình chúng tôi rất bất lực, chỉ mong cháu tự biết sợ mà thay đổi làm lại cuộc đời…”.
Đánh giá đúng thực trạng để đấu tranh có hiệu quả
Năm 2023, CATP Hà Nội đã điều tra, khám phá 98/98 vụ (đạt tỷ lệ 100%), làm rõ 1.557 đối tượng tham gia, trong đó: xử lý hình sự 989 đối tượng, xử phạt hành chính 146 đối tượng. Số đối tượng còn lại đang tiếp tục được củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.
Quý I năm 2024, toàn thành phố phát hiện 18 vụ gây rối trật tự công cộng do nhóm đông điều khiển xe máy chạy thành đoàn với tốc độ cao, mang theo hung khí đuổi đánh nhau, so với cùng kỳ giảm 6 vụ.
Trung tá Lý Hoài Nam - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội đánh giá, nguyên nhân của các vụ gây rối trật tự công cộng đông đối tượng, sử dụng hung khí đuổi đánh nhau đều xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân từ trước như: mâu thuẫn khi tham gia giao thông trước đó trên đường phố, trong quá trình sử dụng mạng xã hội hay trong chuyện tình cảm nam nữ thanh niên mới lớn. Hoặc dù không có mâu thuẫn nhưng các đối tượng thích thể hiện, tụ tập gây sự, đuổi đánh nhóm khác.
Đa số các đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok chửi bới, thách thức nhau sau đó lôi kéo, tụ tập bạn bè tham gia chạy xe gây rối trật tự công cộng. Các đối tượng thường tụ tập thành nhóm đông, chuẩn bị hung khí nguy hiểm gồm các loại dao, kiếm, tuýp sắt gắn dao nhọn, chai thủy tinh… điều khiển xe máy không gắn hoặc che biển kiểm soát hò hét, rú ga, bấm còi inh ỏi. Khi gặp các đối thủ thì dùng hung khí truy đuổi, xông vào hỗn chiến.
“Tình hình tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép; mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua mặc dù đã được kiềm chế, kéo giảm về số vụ việc, số đối tượng nhưng vẫn tiềm ẩn phức tạp về ANTT, và là nguồn phát sinh các loại tội phạm khác như cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cố ý hủy hoại tài sản, giết người... và phổ biến ở nhiều địa phương chứ không riêng gì Hà Nội.
Qua các vụ việc được điều tra, khám phá, Phòng Cảnh sát hình sự nhận định, tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng đang có xu hướng chuyển dịch từ địa bàn phố, thành thị về các khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội.
Ngoài ra, tội phạm ngày càng trẻ hóa và biết sử dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, mạng xã hội để liên lạc, móc nối, kêu gọi đồng bọn, chuẩn bị phương tiện công cụ phạm tội gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý của cơ quan công an…” - Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự phân tích.
Trên cơ sở chủ động nhận diện, đánh giá những tình hình có khả năng diễn biến phức tạp đối với loại tội phạm trên, ngày 8-6-2021, CATP Hà Nội đã ban hành Chuyên đề 12 về “Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”; giao nhiệm vụ cho Công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc.
Hiện CATP đang nghiên cứu xây dựng báo cáo lãnh đạo Bộ Công an về việc nâng chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội lên thành Điều tra cơ bản lĩnh vực gây rối trật tự công cộng để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.
Công an thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các Điện mật, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, trong đó chú trọng thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, nhóm đông đối tượng mang theo hung khí, gây rối trật tự công cộng.
Hoang mang, lo lắng, bức xúc và cả những tâm tư của những người làm cha, làm mẹ. Song, không thể chỉ phó mặc cho lực lượng Công an, mà cần phải có sự chung tay vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự quản lý chặt chẽ của mỗi gia đình, nhà trường trước thực trạng thanh thiếu niên vi phạm đang có chiều hướng gia tăng và phức tạp như hiện nay.
“Phòng Cảnh sát hình sự hiện đang tiếp tục phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, không để vi phạm tiếp diễn gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng tới ANTT chung trên toàn thành phố” - Trung tá Lý Hoài Nam nhấn mạnh.
(còn tiếp)