Xử lý 'thật nghiêm' nạn phá rừng, khai thác cát trái phép gây sạt lở

Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác cát gây xói mòn, sạt lở bờ sông, cử tri tỉnh Long An đề nghị các Bộ, ngành liên quan tăng cường chỉ đạo kiểm tra, xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm.

Tình trạng sạt lở trên sông Bồ đoạn qua khu vực Cồn Nổi do nạn làm mất hàng chục ha đất sản xuất của người dân. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Tình trạng sạt lở trên sông Bồ đoạn qua khu vực Cồn Nổi do nạn làm mất hàng chục ha đất sản xuất của người dân. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Trước vấn đề nhức nhối về tình trạng phá rừng và khai thác cát trái phép, mới đây cử tri tỉnh Long An đã có kiến nghị gửi tới Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các Bộ, ngành liên quan tăng cường chỉ đạo kiểm tra, xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Hàng chục nghìn vụ “ăn cắp” cát

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Long An về vấn đề trên, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan được Ban Dân nguyện chuyển nội dung kiến nghị của cử tri, cho rằng việc ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Riêng với tình trạng khai thác cát trái phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định trong thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý.

Theo đó, đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cơ bản đã hoàn thiện với 1 Luật, 9 Nghị định, 6 Quyết định và 2 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 62 Thông tư, Thông tư liên tịch của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản và chấn chỉnh hoạt động khoáng sản của tổ chức, cá nhân.

Từ năm 2015 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần chủ trì các Hội nghị trực tiếp, trực tuyến với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, trực tiếp kiểm tra việc khai thác cát, sỏi tại một số địa phương nhằm giải quyết triệt để việc khai thác cát, sỏi gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và cuộc sống của người dân.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng thường trực đã yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương đề cao trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm…

Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành, các lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý cương quyết, nghiêm khắc theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản.

Đến nay, các lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 300 các vụ việc vi phạm trong hoạt động khoáng sản. Trong đó, Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 182 vụ/521 đối tượng; tạm giữ 17.725 tấn quặng, 106.881 tấn than, 19.660m3 cát, 158 phương tiện các loại, 160 máy hút cát,...

Các lực lượng chức năng của Bộ Công an đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 7.000 vụ việc vi phạm trong hoạt động khoáng sản với khoảng 6.800 đối tượng, xử phạt gần 100 tỷ đồng, tịch thu hơn 300 máy nổ, gần 30 máy xúc, 20 giàn sàng, khoảng 150 ghe thuyền các loại, 20 xe ben, hơn chục ngàn m3 cát, sỏi…

Về phía các địa phương, hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập và phê duyệt quy hoạch khoáng sản trong đó có cát, sỏi lòng sông; thực hiện nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ bến bãi, lập đường dây nóng, nghiêm cấm việc mua bán cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp; chỉ đạo quyết liệt để chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn.

Qua công tác thanh, kiểm tra, các địa phương cũng đã phát hiện và xử lý gần 15.000 trường hợp vi phạm, xử phạt (7.302 trường hợp vi phạm khai thác trái phép; 7.634 trường hợp vi phạm Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật) với số tiền trên 167,7 tỷ đồng; một số vụ vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông đã được chuyển xử lý hình sự (26 vụ).

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Ngoài xử phạt vi phạm hành chính đã thu giữ, tiêu hủy nhiều phương tiện khai thác trái phép, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép đã thực sự giảm cả về quy mô và số lượng, một số địa phương đã cơ bản ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép tái diễn như: Thanh Hóa, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam, Phú Thọ...

Quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực hoạt động khoáng sản, chấn chỉnh các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, các địa phương, các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương tổ chức thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nội dung nhiệm vụ quy định cụ thể trong Nghị định số 23/2020/NĐ-CP về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông (có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2020)…

Cùng với đó, các Bộ liên quan cần ban hành, thực hiện đúng cam kết quy chế phối hợp trong quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản (nhất là cát, sỏi lòng sông) tại khu vực giáp ranh; cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, gây bức xúc dư luận; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Ủy ban Nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, chấn chỉnh các hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông và thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch trên địa bàn; cấp phép mở bến, bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên cơ sở quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với đó, các địa phương cần kiên quyết xử lý dứt điểm bến bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi trái phép và có biện pháp chống tái diễn. Phát huy vai trò giám sát của người dân, của cộng đồng đối với chính quyền và với doanh nghiệp; của chính quyền cấp trên đối với chính quyền cấp dưới; tăng cường giám sát quá trình khai thác của các doanh nghiệp theo đúng giấy phép và các quy định của pháp luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết hiện đã xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản để thay thế Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.

Trong đó đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể đối với từng Bộ, ngành liên quan, đối với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh để triển khai thực hiện các quy định mới của 5 Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản đã được ban hành từ khi có Chỉ thị đến nay./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/xu-ly-that-nghiem-nan-pha-rung-khai-thac-cat-trai-phep-gay-sat-lo/673406.vnp