Xử lý thế nào khi nghi phạm chết?

Thời gian qua, dư luận hết sức bất bình bởi một số đối tượng vì những lý do hết sức 'nhỏ nhặt' đã ra tay sát hại tình địch để thỏa lòng ghen tuông của mình bằng hình thức bỏ chất độc vào rượu, thức ăn…

Theo quy định của pháp luật hiện hành những hành vi này sẽ phải chịu hình phạt nào?Thái An Thời gian qua, dư luận hết sức bất bình bởi một số đối tượng vì những lý do hết sức “nhỏ nhặt” đã ra tay sát hại tình địch để thỏa lòng ghen tuông của mình bằng hình thức bỏ chất độc vào rượu, thức ăn… Theo quy định của pháp luật hiện hành những hành vi này sẽ phải chịu hình phạt nào?

Mới đây CA Thanh Hóa đã khởi tố vụ án giết người liên quan đến 2 người tử vong trong lúc uống rượu trưa 20-4. Test nhanh mẫu rượu, lực lượng chức năng xác định có chất độc cyanua (HCN). Ông Đặng Phạm Viên (SN 1967), Chi cục trưởng Thi hành án dân sự TP Thanh Hóa đã tử vong sau khi nếm bình rượu của gia đình Giám đốc công ty Á Âu là Lê Thị Phương (SN 1982). Chồng bà Phương là Trần Xuân Minh (SN 1974) cũng tử vong vào trưa 20-4 tại nhà riêng ở số nhà 50 đường Quang Trung, TP Thanh Hóa khi uống cùng loại rượu có chứa chất độc này.

CQĐT tỉnh Thanh Hóa bước đầu đã xác định vụ đầu độc làm 4 người thương vong là do mâu thuẫn trong gia đình, ông Minh kinh doanh thua lỗ và nghi vợ mình ngoại tình nên đổ cyanua vào rượu để giết bà Phương cùng tình địch.

Chỉ vì những mâu thuẫn trong quan hệ tình cảm, ghen tuông... và hậu quả của những việc làm này nếu như không được phát hiện sẽ gây ra hậu quả vô cùng thảm khốc cho nhiều người. Vậy, quy định của pháp luật hiện nay nhằm trừng trị tội ác này như thế nào, kẻ gây ra hậu quả phải đối diện với hình phạt ra sao?

Hiện trường ngôi nhà, nơi các nạn nhân bị ngộ độc sau khi uống rượu.

Hiện trường ngôi nhà, nơi các nạn nhân bị ngộ độc sau khi uống rượu.

Liên quan đến vụ án Chi cục trưởng Thi hành án dân sự TP. Thanh Hóa bị đầu độc, theo luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), CQĐT sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ hành vi và vai trò của bà Phương trong vụ án này. Nếu bà Phương chỉ là nạn nhân, may mắn thoát chết thì sẽ không bị xử lý. Còn nếu bà Phương biết đó là rượu có chất độc nhưng vẫn rót cho mọi người uống thì bà Phương sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm về tội giết người. Tuy nhiên, với thông tin ban đầu là trước đó ông Minh và bà Phương nhiều lần mâu thuẫn, ông Minh đã từng dọa giết bà Phương do ghen tuông, rượu là do ông Minh mang đến, bởi vậy rất có thể bà Phương sẽ “vô can”.

Theo luật sư Thái trong trường hợp vụ án có một bị can duy nhất và đã chết, không có đồng phạm khác, không có người khác phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra vụ án hình sự này.Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại thì thực hiện theo nguyên tắc mà Bộ luật Dân sự đã quy định, theo đó người gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì có nghĩa vụ phải bồi thường. Trường hợp người gây thiệt hại cho người khác đã chết và có để lại tài sản thì những người thừa kế của người chết đó sẽ phải thay mặt người chết thực hiện nghĩa vụ với những người bị hại và đại diện của người bị hại theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Thiệt hại được tính với nạn nhân trúng độc bao gồm tiền chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng, tiền công người chăm sóc trong quá trình điều trị, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần. Đối với người thiệt mạng thì ngoài các khoản tiền nêu trên thì còn phải bồi thường tiền chi phí mai táng và tiền nghĩa vụ cấp dưỡng với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng. Mức bồi thường sẽ phụ thuộc vào thiệt hại thực tế và khả năng của người gây thiệt hại đối với tổng giá trị di sản để lại.

“Còn về trách nhiệm dân sự thì những người bị hại và đại diện gia đình người bị hại đã chết có thể thương lượng với bà Ph. và các con ông Minh về việc lấy tài sản của ông Minh để lại để bồi thường, nếu không thỏa thuận được về mức bồi thường và phương thức bồi thường thì có thể khởi kiện để tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”, luật sư Thái cho hay.

Trước đó, cuối tháng 12-2019 một nữ điều dưỡng tên H ở BV Phổi tỉnh Thái Bình tử vong bất thường. Nguyên nhân cái chết của người này lại liên quan tới một mối tình vụng trộm của chồng… đồng nghiệp.Qua một thời gian điều tra xác minh, CQĐT phát hiện anh P.V.Q (30 tuổi, ở Kiến Xương) là chồng chị Y (công tác tại BV Phổi tỉnh Thái Bình) có quan hệ tình cảm với em họ của vợ là Lại Thị Kiều Trang. Do không còn tình cảm với Trang nên anh Q đã đề nghị chấm dứt qua lại. Không đồng ý và cho rằng anh Q chia tay với mình là để về với vợ nên Trang ghen tuông.

Trang khai đặt mua chất độc dạng lỏng qua mạng rồi đổ vào 6 cốc trà sữa và nhờ người gửi đến BV Phổi Thái Bình cho chị Y. Do chị Y không có ở BV nên nhờ đồng nghiệp nhận hàng. Đến khoảng 10g ngày 3-12-2019, chị H lấy từ tủ lạnh ra 1 cốc và uống. Vừa uống được vài ngụm thì nữ điều dưỡng này ngã gục rồi tử vong.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, hành vi giết người bằng thuốc độc là hành vi mang động cơ đê hèn và vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự nên việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý đối tượng này là cần thiết và có căn cứ theo quy định pháp luật. Việc bỏ chất độc vào đồ uống nhằm trả thù cá nhân của một số đối tượng sẽ có thêm tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”; hoặc “giết 2 người trở lên” theo quy định tại điểm l, hoặc điểm a, khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xu-ly-the-nao-khi-nghi-pham-chet-190828.html