Xử lý thế nào khi trẻ chửi bậy?

Trẻ nhỏ đôi khi 'phát' ra những ngôn ngữ khó nghe khiến cha mẹ giật mình.

Cần uốn nắn hành vi nói tục ở trẻ. Ảnh minh họa: ITN

Cần uốn nắn hành vi nói tục ở trẻ. Ảnh minh họa: ITN

Thế nhưng, thay vì quát mắng con ngay lập tức, các chuyên gia khuyên người lớn hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, giải thích và làm gương cho trẻ.

Nói tục trở thành thói quen

Nói tục, chửi bậy là một thói quen xấu và còn thể hiện một người không được chỉ bảo, quan tâm. Nhưng đối với trẻ nhỏ, nói tục đơn giản là hành động bắt chước và chúng chưa đủ lớn để ý thức được hậu quả. Vì vậy, người lớn cần hiểu bản chất của việc nói tục ở trẻ và có cách ứng xử phù hợp.

Trên thực tế, trẻ không cần biết ý nghĩa cũng như không nhận thức được hậu quả của nó khi sử dụng những từ ngữ mang ý nghĩa xấu. Đơn giản là chúng xuất phát từ một thói quen, câu cửa miệng của những người xung quanh, bạn bè, hàng xóm và cả chính cha mẹ. Tuy nhiên, điều đáng lo ở đây là hành vi nói tục sẽ trở thành thói quen khi trẻ dùng chúng thường xuyên. Rất khó từ bỏ hành vi này nếu đã thành thói quen.

Trẻ nhỏ đôi khi muốn người lớn chú ý, ngạc nhiên hay gây cười. Đây cũng là lý do trẻ học nói bậy.

Theo ThS ngôn ngữ Lê Lan Anh – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rất nhiều trẻ không hề biết được câu nói bậy của mình có ý nghĩa gì. “Với trẻ em, học nhiều từ cuộc sống xung quanh, môi trường mà chúng được sống hàng ngày nên việc trẻ còn nhỏ tuổi đã nói tiếng lóng hay chửi bậy không phải là hiếm gặp. Tuy nhiên, khi được hỏi từ đó nghĩa là gì thì trẻ không biết. Như vậy, cách nói của trẻ là muốn gây sự chú ý, gây cười, chứ không mang dụng tâm nói bậy”, ThS Lê Lan Anh nhấn mạnh.

Khi con lớn hơn, cha mẹ có thể giải thích cho trẻ hiểu với mỗi nhóm đối tượng, chúng ta có thể sử dụng ngôn từ, cách nói chuyện khác nhau. Nhưng sẽ có những từ ngữ con tuyệt đối không được dùng. Điều này cần được quy định rõ ràng ngay từ khi trẻ còn nhỏ.

Lần đầu tiên trẻ nói một câu chửi thề, hãy kiềm chế ý muốn cười thành tiếng của bạn, điều mà trẻ tất nhiên sẽ coi như sự ủng hộ tuyệt vời để làm lại điều đó. Làm cho người lớn cười - hoặc tức giận hoặc khó chịu - là một sức mạnh to lớn có thể sở hữu với những trẻ nhỏ. Vì vậy, khi trẻ lần đầu nói tục và nói chuyện thô lỗ, hãy nhớ không cợt nhả với trẻ.

Nếu trẻ thích một hoặc hai câu nói tục, người lớn cần đặt ra một số nguyên tắc. Điều quan trọng là làm điều này một cách bình tĩnh - không trở nên kích động hoặc nổi điên, nếu không, trẻ sẽ sử dụng hành vi này để thu hút sự chú ý từ bạn.

Nếu trẻ chỉ đang thử một từ mới và không hiểu được ý nghĩa của từ đó, bạn có thể giải thích và giúp trẻ thay thế những lời nói tục bằng những từ ngữ khác. Nhưng nếu trẻ vẫn cố buông lời chửi thề ngay cả sau khi người lớn nhắc nhở, thì đã đến lúc phải áp dụng kỷ luật. Và nếu trẻ chửi bới vì muốn đạt được thứ gì đó, hãy đảm bảo rằng trẻ không nhận được bất cứ thứ gì mà trẻ đang yêu cầu.

 Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Có những lời nói “không được phép”

Trên thực tế, đôi khi trẻ không hiểu rõ ý nghĩa của những từ tục tĩu, không biết lời nói của mình có thể gây tổn thương hoặc xúc phạm người khác. Trường hợp này, bạn hãy cố gắng giữ bình tĩnh, đừng nổi nóng hay đánh mắng trẻ.

Người lớn cũng cần xem lại xem mình đã từng nói như vậy để trẻ học theo và tự nhận lỗi với trẻ, đồng thời cam kết sau này sẽ không được phép nói như vậy nữa. Nếu cha mẹ chỉ dạy con bằng lý thuyết mà tự bản thân không làm theo thì việc dạy trẻ không có nhiều tác dụng.

Cô Vũ Thu Lan - Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Đối với trẻ ở cấp tiểu học, ngôn ngữ của các em đôi khi không phải là những từ ngữ thô tục nhưng lại gây tổn thương cho người khác như “đồ ngu”, “đứa này đần độn”… Người lớn không nên quy kết đó là “nói bậy bạ” để trẻ hiểu sai, mà hãy giúp trẻ hiểu rằng, không được phép nói về bạn bè, người lớn hay bất kỳ ai như vậy, nó sẽ làm người khác khó chịu, gây ra tổn thương tâm lý hoặc ức chế. Như vậy, không chỉ là những từ ngữ tục tĩu mà cả những câu nói thiếu tôn trọng cũng cần tạo giới hạn để trẻ hiểu là mình không được phép nói”.

Ngay cả khi bé không chửi thề, mà nói những từ liên quan đến chuyện đi vệ sinh mang ý nghĩa thô thiển, bạn không nên cười, điều này sẽ khiến bé cảm thấy thú vị và chắc chắn lặp lại hành động đó một lần nữa. Nhiều người cho rằng đó là ngôn ngữ ngây ngô của trẻ con, lớn lên sẽ hết. Tuy nhiên, khả năng khiến người lớn cười hoặc giận, buồn là một điều thôi thúc thật sự mạnh mẽ khi trẻ còn nhỏ và hành vi này sẽ được lặp lại.

Điều quan trọng nhất khi cha mẹ trực tiếp nghe được trẻ nói những ngôn ngữ đó, hãy giải thích cho con biết rằng từ ngữ này không hay chút nào, dù đó không phải là nói bậy. Thay vào đó, hãy nói một từ cùng nghĩa khác mà lịch sự hơn, khiến người nghe thấy vui vẻ tiếp nhận hơn. Như vậy khiến cả người nói và người nghe đều “vừa lòng”.

Theo ThS Lê Lan Anh, từ bắt chước nói bậy đến chửi bậy xảy ra rất nhiều nếu cha mẹ không để tâm. Nếu con chửi bậy để thể hiện sự tức tối, buồn bã hay mệt mỏi, người lớn cần hướng dẫn con nói những câu khác thể hiện sự bực dọc đó ra ngoài thay vì văng ra những từ tục tĩu. Khi con làm theo, cha mẹ hãy quan tâm và giải quyết khúc mắc cùng con để trẻ hiểu rằng việc dùng từ ngữ khác cũng gây được sự chú ý và hiệu quả.

Tùng Bách

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xu-ly-the-nao-khi-tre-chui-bay-post690794.html