Xử lý thế nào người đặt camera quay lén trong phòng trọ?

Luật sư cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích của người lắp đặt camera để đưa ra mức xử lý đúng quy định.

Khi nhà trọ lắp camera quay lén

Ngày 6/7, Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Cầu Giấy đang phối hợp cùng các đội nghiệp vụ xác minh vụ camera giấu kín quay lén tại phòng trọ ở phường Nghĩa Đô.

Trước đó, ngày 2/7, Công an phường Nghĩa Đô nhận được đơn trình báo từ chị N.T.T.H (24 tuổi, quê Bắc Giang) về việc phát hiện ổ điện tại khu vực nhà tắm trong phòng trọ có gắn camera giấu kín, ghi hình trộm.

Lực lượng chức năng ghi nhận ổ điện bị gắn camera giấu kín một cách tinh vi.

Lực lượng chức năng ghi nhận ổ điện bị gắn camera giấu kín một cách tinh vi.

Ngay sau khi tiếp nhận đơn trình báo, cảnh sát địa phương xuống hiện trường. Tại khu vực phòng tắm nằm trong phòng trọ mà chị H thuê ở tầng 3, lực lượng chức năng ghi nhận ổ điện bị gắn camera giấu kín một cách tinh vi.

Cuối tháng 2/2023, ba cô gái từ 20 - 24 tuổi đến thuê phòng trọ ở Hà Đông (Hà Nội) cũng tình cờ phát hiện phòng tắm có camera quay lén, giấu phía dưới bóng đèn nhà vệ sinh, nên đã báo công an.

Làm việc với công an, ông chủ nhà trọ 58 tuổi ở Hà Đông khai muốn xem lén khách nữ tắm đã mua ba bộ camera lắp vào ba phòng vệ sinh. Sau đó, người đàn ông này thường xem trực tiếp các hình ảnh quay lén trên điện thoại hoặc lưu trên ứng dụng để xem lại, chứ chưa phát tán hình ảnh quay lén.

Làm rõ động cơ, mục đích của người lắp đặt camera

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích của người lắp đặt camera. Trong đó, bắt đầu từ việc làm rõ ai là người lắp đặt hoặc thuê lắp đặt.

Trường hợp nếu chỉ dừng lại ở việc lắp camera quay lén thông thường để phục vụ cho những sở thích, ham muốn lệch lạc, biến thái của bản thân mà không nhằm phát tán hay xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm của người khác, người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2, Điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên việc quay lén nhằm phát tán, lan truyền dữ liệu, hình ảnh nhạy cảm trên không gian mạng, cơ quan điều tra sẽ tập trung xác minh dấu hiệu của hành vi Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, người nào mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc các trường hợp như dung lượng dữ liệu số hóa từ 01 GB trở lên; ảnh có số lượng từ 100 ảnh trở lên; sách báo in có số lượng từ 50 đơn vị trở lên hoặc phổ biến cho từ 10 người trở lên có thể bị xử lý hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.

Mức phạt của hành vi này là phạt tiền 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

"Tùy thuộc vào mức độ lan tỏa cũng như số lượng, dung lượng văn hóa phẩm đồi trụy, mức phạt cao nhất của tội danh này có thể lên đến 15 năm tù", luật sư Thắng phân tích.

Trong trường hợp người lắp camera quay lén chỉ nhằm lưu trữ dữ liệu cho bản thân, song dữ liệu camera bị hacker xâm nhập và phát tán trên mạng, thì người lắp camera quay lén cũng không bị xử lý hình sự.

"Lúc đó, cơ quan chức năng sẽ xác minh, làm rõ danh tính của hacker để xử lý theo quy định của pháp luật", luật sư Thắng cho hay.

Quốc Phương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xu-ly-the-nao-nguoi-dat-camera-quay-len-trong-phong-tro-19224070516512737.htm