Xử lý thế nào với bài toán công nợ cho doanh nghiệp?

Công nợ luôn là câu chuyện mâu thuẫn dài kỳ không có hồi kết mà mọi doanh nghiệp đều phải đối mặt.

Một số doanh nghiệp thường e ngại đối đầu với khách hàng về các khoản công nợ phải thu, dẫn tới hệ quả liên đới là chính doanh nghiệp chậm trả công nợ tới nhà cung cấp và đối tác tương ứng, vì vậy công nợ phải thu, phải trả ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền, sức khỏe tài chính doanh nghiệp và làm “sứt mẻ” mối quan hệ làm ăn lâu dài với đối tác liên quan. Một số doanh nghiệp khác lại tìm đến “xã hội đen” để thuê đi thu hồi công nợ, từ đây chủ nợ trở thành tội phạm và vướng vào vòng lao lý khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, xử lý thế nào với bài toán công nợ cho doanh nghiệp một cách hợp pháp?

Luật sư Đặng Kim Ngân Hà nêu quan điểm về câu chuyện ''muôn hình vạn trạng bài toán thu hồi công nợ của doanh nghiệp'', theo đó:

Thanh toán chậm, nhỏ giọt, cố tình lẩn tránh, thiếu trách nhiệm hoặc nợ xấu trong giao dịch thương mại khiến dòng tiền của doanh nghiệp bị tắc nghẽn và xảy ra các hệ quả liên đới ở một mức độ nhất định. Xét về góc độ hình sự, một số doanh nghiệp đã không lựa chọn các biện pháp thu hồi công nợ hợp pháp mà chọn thuê xã hội đen để gây sức ép lên tinh thần và tính mạng của con nợ nhằm mục đích là đòi được nợ.

Các hành vi này, tùy vào mức độ, tính chất có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh: Tội đe dọa giết người; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội cướp tài sản hoặc Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định Bộ luật Hình sự 2015, ví dụ cụ thể: Tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi dùng bạo lực, đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, không kể người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không. Tội cướp tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác chiếm đoạt và mong muốn chiếm đoạt tài sản đó. Không chỉ các đối tượng “xã hội đen”, người trực tiếp thực hiện hành vi đòi nợ phạm tội mà người đi thuê cũng có thể phạm tội với vai trò là đồng phạm. Vì vậy chủ nợ có thể sẽ vướng phải vòng lao lý và bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Cướp tài sản.

Xét về góc độ thương mại, có những tình huống éo le đối với những doanh nghiệp đứng ở vị trí trung gian, hợp đồng giao dịch thương mại với khách hàng trong nước theo thỏa thuận được hiểu và chịu sự điều chỉnh của Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên mọi lĩnh vực liên quan tới hiệu lực, cách giải thích và thực hiện hợp đồng. Khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán, giới hạn “mức trần” phạt vi phạm theo quy định Luật Thương mại 2005 và Luật Xây dựng 2014 thì căn cứ vào giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, và không quá 8% hoặc 12%. Tuy nhiên, hợp đồng giao dịch thương mại với các nhà cung cấp và đối tác nước ngoài, theo thỏa thuận Luật điều tiết và tòa án để giải quyết tranh chấp là của nước sở tại và pháp luật nước sở tại thường không giới hạn mức trần về phạt vi phạm hợp đồng khi một trong các bên vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng.

Qua quá trình thực tiễn cố vấn pháp lý về các giao dịch có yếu tố nước ngoài, theo quan điểm của tôi, các đối tác đã tìm hiểu khá kỹ về pháp luật Việt Nam và hiểu được sự hạn chế mức trần phạt vi phạm thương mại. Do đó, ngay tại giai đoạn đàm phán, họ đã căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 của Việt Nam cho phép các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng và yêu cầu khi ký kết hợp đồng thương mại quốc tế phải chịu sự điều chỉnh và chi phối của Luật nước thứ ba như Anh và Singapore hoặc nước sở tại. Trong trường hợp các bên thuộc các nước đã tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán quốc tế (gọi tắt là Công ước Viên 1980), thì đối tác yêu cầu thỏa thuận thêm tại hợp đồng điều khoản không áp dụng Công ước Viên cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đó. Vì vậy, mức phạt vi phạm là do các bên thỏa thuận và không giới hạn mức trần theo pháp luật nước sở tại cho phép, ví dụ cụ thể theo thực tiễn đàm phán thương mại, tại Hợp đồng dịch vụ với đối tác nước ngoài, họ quy định cụ thể trong trường hợp phía doanh nghiệp tại Việt Nam vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì phải chịu mức phạt vi phạm 50% - 200% giá trị hợp đồng hoặc cao hơn nữa, đồng thời dự liệu trước một mức bồi thường cụ thể bằng tiền hay được tính theo một công thức nhất định thông qua điều khoản xác định mức bồi thường thiệt hại cụ thể để bồi hoàn, bù đắp, khôi phục lợi ích vật chất bị thiệt hại.

Việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng hạn và treo công nợ từ khách hàng trong nước khiến cho doanh nghiệp không đạt được mục đích chính của việc giao kết hợp đồng là thu lợi nhuận và hệ quả tiếp nối là doanh nghiệp còn phải đền bù hợp đồng với các nhà cung cấp thứ ba liên quan đến giao dịch, các chế tài đi kèm thường được áp dụng là tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng.

Trong trường hợp đã áp dụng các chế tài thương mại nhưng khách hàng vẫn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán mà các bên không thể thương lượng, hòa giải được thì doanh nghiệp có quyền được kiện ra cơ quan giải quyết tranh chấp (Tòa án hoặc Trọng tài thương mại) để thu hồi công nợ theo hợp đồng, tiền lãi trên số tiền chậm trả, phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại (nếu có). Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

Luật sư Đặng Kim Ngân Hà.

Luật sư Đặng Kim Ngân Hà.

PV

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/doanh-nghiep/xu-ly-the-nao-voi-bai-toan-cong-no-cho-doanh-nghiep-1307304.html