Xử lý thế nào với tài xế thuê xe tự lái khi bị phạt nguội?

Nhiều chủ xe băn khoăn, nếu người thuê xe không chịu hợp tác đến cơ quan công an để xử lý thì chủ xe có bị phạt không?

"Tôi có cho khách hàng thuê xe ô tô tự lái, sau khi khách trả xe, tôi có kiểm tra nhưng do hệ thống cập nhật muộn, mấy hôm sau mới phát hiện xe vi phạm giao thông do khách thuê xe gây ra. Ngay sau đó, chủ xe có gọi điện cho khách thuê xe, nhưng khách hàng không nhận lỗi do mình gây ra (chủ xe có hợp đồng thuê xe và hình chụp thẻ căn cước cùng bằng lái của khách)".

Trong trường hợp, người thuê xe không chịu hợp tác đến cơ quan Công an để xử lý thì chủ xe có bị phạt không?

Nếu chủ xe không bị phạt thì theo quy định đã có chế tài nào để xử lý hành vi trên chưa?"

Luật sư Trần Văn Huy

Luật sư Trần Văn Huy

Trả lời câu hỏi của độc giả về việc này, luật sư – Thạc sĩ Trần Văn Huy, Giám đốc Công ty Luật TNHH HTM – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích, căn cứ theo các điểm a, b khoản 8 Điều 47 Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, quy định tại Điều 47. Thủ tục xử phạt, nguyên tắc xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Theo đó, đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý thì thực hiện như sau:

Cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để giải quyết vụ việc vi phạm. Việc thông báo được thực hiện bằng văn bản hoặc thực hiện thông báo bằng phương thức điện tử thông qua ứng dụng giao thông trên thiết bị di động dành cho công dân (sau đây viết gọn là Ứng dụng giao thông trên thiết bị di động) do Bộ Công an xây dựng, quản lý, vận hành khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin; đồng thời cập nhật thông tin về phương tiện vi phạm trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông;

Chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt đối với hành vi vi phạm được phát hiện;

Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không giải trình để xác định được người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép;”

Như vậy, trong trường hợp này, khi phát hiện hành vi vi phạm, cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo yêu cầu chủ xe đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để giải quyết vụ việc vi phạm, chủ xe có nghĩa vụ phải đến làm việc và hợp tác với cơ quan chức năng để xác định người đã điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm;

Nếu chủ xe giải trình, chứng minh được mình không phải là người đã điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm và hợp tác với cơ quan chức năng, xác định được người vi phạm là người thuê xe (thông qua Hợp đồng thuê xe, thẻ Căn cước, Giấy phép lái xe… và căn cứ chứng minh khác có liên quan) thì chủ xe sẽ không bị xử phạt. Nếu chủ xe không hợp tác, không giải trình hoặc chứng minh được thì chủ xe sẽ bị xử phạt.

Trong trường hợp, chủ xe không bị phạt, theo luật sư Huy, căn cứ theo khoản 1 Điều 15 của Nghị định số: 135/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính, quy định tại Điều 15. Xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

Khi có kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính và thực hiện theo các bước sau:

Xác định thông tin về tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính; Gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền để giải quyết vụ việc, trừ trường hợp người có thẩm quyền đã xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm tại địa điểm, tuyến, địa bàn xảy ra hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính; Lập biên bản vi phạm hành chínhtrong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm; Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật".

Như vậy, theo luật sư Huy, sau khi chủ xe chứng minh được mình không phải người vi phạm và cơ quan chức năng đã xác định được người vi phạm là người thuê xe thì cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo yêu cầu người vi phạm (người thuê xe) đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để giải quyết vụ việc vi phạm.

Khi đó, người thuê xe (người thực hiện hành vi vi phạm) có nghĩa vụ phải đến làm việc theo theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Nếu người thuê xe không hợp tác, đến làm việc để giải quyết vụ việc thì cơ quan chức năng vẫn có thể lập Biên bản vi phạm hành chính và người có thẩm quyền xử phạt vẫn có thể ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người thuê xe.

Nếu hành vi vi phạm của người thuê xe thuộc trường hợp bị trừ điểm Giấy phép lái xe thì việc trừ điểm Giấy phép lái xe được thực hiện ngay sau khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành - (điểm a khoản 1 Điều 50 Nghị định số 168/2024/NĐ-CP).

Nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc trong thông báo của người có thẩm quyền xử phạt hoặc quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà người thuê xe chưa thực hiện giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định hoặc chưa chấp hành quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quanđăng kiểm (đối với phương tiện có quy định phải kiểm định), cơ quan đăng ký xe, cơ quan cấp giấy phép lái xe (nếu đã xác định được người vi phạm). Cơ quan đăng ký xe, cơ quan cấp Giấy phép lái xe sẽ tạm dừng/ chưa giải quyết việc cấp, đổi, cấp lại Giấy phép lái xe đối với người thuê xe cho đến khi giải quyết xong vụ việc - (khoản 11 Điều 47 Nghị định số: 168/2024/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, luật sư Huy cho biết, người thuê xe còn có thể bị cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (như: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm...) và phải chịu thêm 0,05% số tiền phạt chưa nộp đối với mỗi ngày chậm nộp phạt - (khoản 1 Điều 68 và khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 - được sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Nguyễn Hiền/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/xu-ly-the-nao-voi-tai-xe-thue-xe-tu-lai-khi-bi-phat-nguoi-post1152561.vov