Xử lý thông tin xấu độc, phản cảm trên TikTok
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra 6 sai phạm của nền tảng mạng xã hội TikTok đang có tác động xấu đến giới trẻ, nhất là trẻ em dựa trên những video ngắn. Vậy TikTok 'gây nghiện' như thế nào và xử lý sao cho triệt để đang là vấn đề xã hội quan tâm.
Dùng thuật toán AI phân loại nhóm người dùng
Trao đổi với vấn đề này với phóng viên báo Tin tức, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) cho biết: “TikTok dựa trên 2 phương pháp cơ bản là phân loại đối tượng khách hàng và phân phối thông thông tin tối đa trên dữ liệu đã phân tích”.
Để làm được điều này, TikTok đã dùng thuật toán AI phân tích dữ liệu người dùng, đoán được người dùng muốn xem gì và gợi ý nội dung, khiến người xem thấy thỏa mãn, dần dần “bị nghiện”.
“Đầu tiên là tương tác của người dùng, chẳng hạn người dùng bấm thích hoặc chia sẻ, các tài khoản bạn theo dõi, nhận xét bạn đăng và nội dung bạn tạo; Tiếp theo là thông tin video, bao gồm cả các chi tiết như chú thích, âm thanh và các hashtags; Ngôn ngữ bạn đang sử dụng, quốc gia, loại thiết bị... Để đo sở thích của khách hàng, Tiktok sẽ đưa ra những bộ video thử để xem phản ứng của người dùng, thể hiện ở cách người dùng tương tác với video đó, thời gian họ xem, số lần họ xem lại… Thậm chí, TikTok dựa trên thuật toán AI nếu xem hết video cũng xác định là thích. Từ những dữ liệu này, AI sẽ tổng hợp và phân loại người dùng thành các nhóm người dùng có sở thích khác nhau”, ông Vũ Ngọc Sơn cho biết.
Trên thực tế, theo ông Vũ Ngọc Sơn các nền tảng mạng xã hội khác như Youtube, Facebook cũng đã áp dụng thuật toán AI này. Tuy nhiên lợi thế của Tiktok chính là thời gian của mỗi clip rất ngắn, cùng 1 khoảng thời gian, người dùng xem được nhiều clip trên TikTok hơn trên Youtube, Facebook. Điều đó, TikTok có nhiều dữ liệu phân tích hơn và đo chính xác hơn.
Từ phân tích đối tượng, TikTok tiến hành phân phối clip đến người dung. Nếu người có phản ứng thích thú kiểu theo trend thì sẽ được tự động phân phối theo cấp số nhân. Vì vậy, nếu một nội dung càng độc, lạ, câu view thì tốc độ lan truyền càng nhanh.
Xét ở góc độ tâm lý, theo ông Vũ Ngọc Sơn, phương thức gây nghiện của Tiktok không mới so với các nền tảng trực tuyến khác và cũng giống chơi game là đem lại sự hài lòng, thỏa mãn nhanh chóng cho người dùng. Điểm nguy hại là TikTok hướng đến clip ngắn vài chục giây không cần biết đến nội dung mà chỉ cần yếu tố gây hài. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện những video có nội dung bẩn, độc hại được lan truyền mà không có kiểm soát.
Làm sao để “cai nghiện” TikTok
Từ góc độ kỹ thuật, ông Vũ Ngọc Sơn cho rằng: “Cơ quan quản lý và cộng đồng đã có những phát hiện và lên án. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thông báo yêu cầu gỡ bỏ những clip xấu độc nhưng quan trọng là TikTok không có những công cụ xử lý ngay tại nguồn để thông tin tiêu cực phát tán rồi mới xử lý. Đặc biệt với đối tượng trẻ em, cần có giải pháp để ngăn chặn ảnh hưởng xấu của nền tảng này với trẻ em”.
Trên thực tế trên mạng xã hội có cả thông tin tiêu cực và tích cực. Tuy nhiên, do "tâm lý đám đông", thông tin tiêu cực luôn được phát tán nhanh hơn và để lại hậu quả nặng nề. Thậm chí, thông tin càng xấu độc thì nhiều người lại cho rằng càng gần với đời sống và chân thực, nên càng hưởng ứng.
Theo thống kê, TikTok hiện có hơn 50 triệu người dùng ở Việt Nam, là một trong ba nền nền tảng xã hội có đông người dùng. Các nội dung sai lệch xuất hiện ngày càng nhiều trên nền tảng TikTok thời gian gần đây đã được Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử thống kê với 6 vi phạm: Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em.
TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.
TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc,….
TikTok không quản lý hoạt động của các Idol TikTok nên để nhiều Idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này. Cụ thể là việc cho phép thách đấu trực tuyến, Idol TikTok có thể được người xem tặng quà, càng sốc, hở, phản cảm càng được tặng nhiều quà và có khả năng quy đổi ra tiền. Điều đáng nói là TikTok sẽ nhận được 70% từ số tiền thu được.
TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền.
TikTok không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, hệ lụy của những sai phạm trên dẫn tới TikTok đã tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Bên cạnh đó, nền tảng này đã khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc. Những vi phạm này khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp; đồng thời khiến nội dung vi phạm bản quyền tràn lan.
Theo ông Lê Quang Tự Do, khi phát hiện sai phạm, Bộ TTTT đã làm việc với các nền tảng xuyên biên giới để gỡ nội dung phản động và vi phạm pháp luật. Bộ đã có công cụ phát hiện những nội dung độc hại trên nền tảng xuyên biên giới, sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ về pháp lý. Cụ thể về kinh tế, các đại lý, trung gian thanh toán, doanh nghiệp không được quảng cáo, kinh doanh trên nền những tảng xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam. Điều này bắt buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật trong nước.
Trong tháng 5, Bộ TTTT cùng với đơn vị hữu quan sẽ tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động TikTok tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, giải pháp căn cơ để người dùng không nghiện Internet, mạng xã hội hay “tiếp tay” cho thông tin xấu độc chính là nâng cao nhận thức của người dùng. Người dùng phải tham gia mạng xã hội với tâm thế chủ động, hiểu biết, không bị “thế giới ảo” dẫn dắt và phạm sai lầm.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng: "Năm 2023 cũng là năm quản lý các nền tảng xuyên biên giới vào đúng qui định của pháp luật Việt Nam. Các nền tảng này kiếm nhiều tiền nhưng vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm xã hội. Muốn phát triển bền vững thì càng to, càng lớn, càng quan trọng thì càng phải thượng tôn pháp luật và trách nhiệm đi kèm phải càng lớn".