Xử lý tình trạng cò mồi khám chữa bệnh ở TP Đà Nẵng
Sáng 24/7, ông Mai Văn Mười, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng đã ký văn bản số 758/SYT-NYT gửi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) trên địa bàn TP Đà Nẵng về tăng cường rà soát, quản lý, kịp thời phát hiện, báo cáo, xử lý tình trạng cò mồi khám chữa bệnh.

Lực lượng chức năng kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh ở TP Đà Nẵng. Ảnh: CV.
Theo đó, để tăng cường công tác quản lý đảm bảo môi trường khám chữa bệnh văn minh, minh bạch, không để xảy ra tình trạng tiêu cực gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y tế, Sở Y tế TP Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện một số nội dung như, rà soát, đánh giá, báo cáo thực trạng có hay không tình trạng “cò mồi” KBCB, môi giới bệnh nhân tại đơn vị và khu vực xung quanh đơn vị.
Tăng cường thực hiện nghiêm túc các giải pháp quản lý, giám sát nội bộ, bố trí nhân sự trực giám sát, theo dõi qua hệ thống camera an ninh; chỉ đạo, quán triệt cán bộ, viên chức, người lao động, lực lượng bảo vệ tăng cường cảnh giác, theo dõi; kịp thời phát hiện các hành vi “cò mồi” khám chữa bệnh trong và ngoài đơn vị, báo cáo, xử lý, cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý các hành vi tiêu cực (nếu có).
Tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể viên chức, người lao động và người bệnh, người nhà người bệnh về các hành vi sai phạm liên quan đến “cò” bệnh viện, “cò mồi” khám chữa bệnh, các quy định pháp luật hiện hành, qua đó nâng cao nhận thức và thái độ ứng xử đúng mực trong quá trình cung ứng dịch vụ y tế…
Trước đó, mạng xã hội chia sẻ đoạn video của một cô gái đến Trung tâm Trung tâm y tế (TTYT) khu vực Hải Châu để khám sức khỏe bổ sung hồ sơ xin việc.
Tại đây, một người tự xưng là nhân viên chỉ cô sang “phòng khám đối diện” ở số 39 Cao Thắng là một tiệm tạp hóa. Người phụ nữ tại tiệm tạp hóa, xưng tên Dung, hỏi han thông tin sức khỏe như chiều cao, cân nặng, độ cận mắt... rồi điền vào hồ sơ, sau đó dẫn cô gái đến một phòng khám cách đó khoảng 400 m để thực hiện xét nghiệm máu và nước tiểu. Tổng chi phí bị thu là 300.000 đồng.
Sau đó, cô gái phát hiện những người khác chỉ bị thu 100.000 đồng cho thủ tục tương tự, nhận ra mình đã bị “ăn chênh” 200.000 đồng, cô quay lại quán tạp hóa để xin lại tiền, người phụ nữ tại đây chỉ trả 50.000 đồng và nói: “Cô làm dịch vụ này là làm nhanh cho con mà. Cô phải bồi dưỡng cho nhiều người lắm”.
Trước sự việc này, ông Nguyễn Cảnh Việt, Phó Giám đốc phụ trách TTYT khu vực Hải Châu khẳng định: “Nếu có việc nhân viên hoặc người mặc trang phục bảo vệ hướng dẫn bệnh nhân sang địa chỉ không rõ ràng thì không nằm trong quy trình tiếp đón chính thức của đơn vị. Trung tâm đã rà soát toàn bộ nội bộ, làm việc với bộ phận bảo vệ, tiếp đón bệnh nhân và đội ngũ khám sức khỏe. Nếu phát hiện cá nhân nào có dấu hiệu móc nối, tiếp tay cho hành vi trục lợi, đơn vị sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và nội quy cơ quan”.
Ông Nguyễn Cảnh Việt cũng cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi Sở Y tế thành phố và Công an phường Hải Châu để phối hợp xác minh vụ việc người dân phản ánh bị “hướng dẫn” khám sức khỏe qua quán tạp hóa đối diện trung tâm, mất thêm tiền không rõ ràng.