Xử lý tình trạng ô nhiễm nước hồ treo tại Ðồng Văn
Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã xây dựng hàng trăm hồ treo trên bốn huyện vùng cao núi đá thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Ðồng Văn. Những chiếc hồ treo này đã đáp ứng yêu cầu tích nước cho người dân sử dụng, nhất là trong những tháng mùa khô.
Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã xây dựng hàng trăm hồ treo trên bốn huyện vùng cao núi đá thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Ðồng Văn. Những chiếc hồ treo này đã đáp ứng yêu cầu tích nước cho người dân sử dụng, nhất là trong những tháng mùa khô.
Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, nhất là việc xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Nhằm giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho người dân các huyện vùng cao núi đá, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã xây dựng hơn 100 hồ treo với tổng dung tích trữ nước gần 540 nghìn mét khối, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 80 nghìn người. Việc đầu tư hồ treo tích nước cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì nhiều hồ treo trên Cao nguyên đá Ðồng Văn đã xuất hiện những hạn chế, nhất là vấn đề chất lượng nguồn nước.
Hồ treo Pờ Chúa Lủng, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ được đầu tư xây dựng từ năm 2009. Hồ có dung tích trữ nước lớn, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt thường xuyên cho khoảng 70 hộ dân trong thôn. Anh Vàng Mí Say, người dân thôn Pờ Chúa Lủng cho biết: "Nước hồ treo bị ô nhiễm nhiều năm rồi. Nguyên nhân là nguồn cung cấp nước vào hồ chủ yếu lấy nước mưa nhưng lại không có mái che hứng nước. Hệ thống tường rào bao quanh hồ xây thấp, do đó cứ mưa lớn là nguồn nước mặt chảy qua khu dân cư, chuồng trại chăn nuôi tràn vào lòng hồ. Hồ có bể lọc nước đầu vào nhưng không bảo đảm, hệ thống lọc nước đầu ra chưa có".
Theo phản ánh của người dân, do nguồn nước hồ bị ô nhiễm, người dân trong thôn khi sử dụng thường xuyên bị bệnh tiêu chảy, kiết lỵ. Biết là sử dụng nước hồ ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe, nhưng người dân vẫn phải sử dụng vì đây là nguồn nước ổn định duy nhất ở thôn vùng cao này. Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ Nguyễn Duy Huân cho biết: "Người dân thôn Pờ Chúa Lủng nhiều lần kiến nghị lên cấp trên xây dựng công trình bể lọc, xây hệ thống mái che hứng nước, xây tường rào quanh hồ, nhưng đến nay những kiến nghị chính đáng này vẫn chưa được giải quyết".
Tình trạng ô nhiễm nước không chỉ xảy ra ở hồ treo Pờ Chúa Lủng mà còn diễn ra ở nhiều hồ treo khác trên các huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang. Hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng nước từ 20-30 hồ treo tại bốn huyện vùng cao. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các hồ đều bị ô nhiễm chất thải, hữu cơ, xác động vật. Nhiều mẫu nước đem đi xét nghiệm đều vượt ngưỡng giới hạn cho phép đối với các chỉ tiêu E.coli; Coliforms; Pecmanganat; độ đục.
Mới đây, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hà Giang tiến hành đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng hồ treo cấp nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc ở vùng khan hiếm nước thuộc bốn huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang. Phân tích mẫu nước lấy từ năm hồ treo: Lùng Tám Thấp, xã Lùng Tám (Quản Bạ); Pờ Chúa Lủng, xã Cán Tỷ (Quản Bạ); Bản Lò, xã Ðông Minh (Yên Minh); Pả Vi Thượng, xã Pả Vi (Mèo Vạc); Sà Lủng, xã Tả Lủng (Ðồng Văn) cho thấy: Năm mẫu nước có chỉ tiêu vi khuẩn E.coli vượt gấp 1,05 đến 4,45 lần ngưỡng giới hạn cho phép; một trong năm mẫu nước có chỉ tiêu vi khuẩn Coliforms vượt gấp 1,6 lần ngưỡng giới hạn cho phép; hai trong năm mẫu nước có chỉ tiêu độ đục vượt gấp 1,74 đến 5,86 lần ngưỡng giới hạn cho phép; bốn trong năm mẫu nước có chỉ số Pecmanganat vượt gấp 1,48 đến 2,28 lần ngưỡng giới hạn cho phép.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước là do các hồ treo đều lấy nguồn nước mặt, không có nguồn nước chảy vào, chảy ra thường xuyên, cho nên nước trong hồ treo tù đọng lâu ngày, nước bị ô nhiễm vi sinh làm nước chuyển mầu, nổi váng, lượng bùn lắng dưới đáy hồ tăng dần. Nhiều hồ treo chưa có các hạng mục xử lý nước, chưa xây dựng khu lấy nước độc lập, không có hệ thống rãnh thoát nước thải riêng. Ý thức người dân về giữ gìn vệ sinh nguồn nước chưa cao, nhiều nơi còn tình trạng người dân tắm giặt trực tiếp, gây ô nhiễm nguồn nước. Cùng với đó, công tác quản lý, vận hành hồ của các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Ngay cả những hồ được quan tâm, đầu tư hệ thống xử lý nước cũng xảy ra tình trạng này.
Năm 2019, hồ treo thôn Sủng Là, xã Sủng Thài, huyện Yên Minh được Trung tâm quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn chọn là một trong bốn hồ để thực hiện mô hình "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao hiệu quả hồ treo cấp nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc vùng núi đá Tây Bắc". Một trong những nội dung của mô hình đó là xây dựng tại hồ treo hệ thống xử lý nước, bao gồm: Bể lọc nhanh; bồn i-nốc chứa nước; xây dựng khu vực cấp nước độc lập cùng các công trình phụ trợ khác. Hệ thống xử lý nước tại hồ treo đã vận hành an toàn, hiệu quả trước khi bàn giao cho chính quyền địa phương.
Nước sau lọc tại hồ treo đã được kiểm tra, chất lượng nước bảo đảm theo QCVN 02:2009/BYT. Mặc dù có công trình xử lý nước, nhưng hiện nay người dân vẫn phải trực tiếp xuống lấy nước tại lòng hồ. Nguyên nhân là hệ thống xử lý nước chưa có quy chế vận hành cho nên ngừng hoạt động. Sự chậm trễ trong việc ban hành quy chế quản lý, vận hành công trình khiến cho người dân vẫn phải sử dụng nước hồ chưa qua xử lý, việc trực tiếp xuống lòng hồ lấy nước luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Xử lý tình trạng ô nhiễm nước hồ treo là vấn đề bức thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân vùng cao. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang Nguyễn Trần Tuấn cho biết, hằng năm, ngành y tế đều hướng dẫn các địa phương xử lý nước hồ treo để phục vụ sinh hoạt. Ðối với các hồ bị ô nhiễm, đề nghị chính quyền các xã hướng dẫn người dân vệ sinh nguồn nước, môi trường quanh hồ, làm sạch rong, rêu, tảo bám ở thành hồ, đồng thời xử lý nguồn nước bị ô nhiễm bằng hóa chất cloramin B. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, việc xử lý ô nhiễm nước hồ treo cần được thực hiện căn cơ hơn. Trước đây, khi xây dựng hồ treo, mục tiêu chính là tích nước để người dân sử dụng trong mùa khô cho nên hầu hết các hồ đều không có các công trình lọc nước đầu vào, đầu ra, mái che hứng nước.
Do đó, các ngành chức năng cần kiểm tra, rà soát để tham mưu chính quyền tỉnh Hà Giang phương án xử lý nước tại các hồ treo đang bị ô nhiễm nặng. Một trong những mô hình xử lý nước có thể được nhân rộng đó là mô hình "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao hiệu quả hồ treo cấp nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc vùng núi đá Tây Bắc" do Trung tâm quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn triển khai. Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Giang Lệnh Văn Bắc cho biết: "Mô hình có tính ứng dụng cao trong điều kiện thực tế ở các hồ treo trên Cao nguyên đá Ðồng Văn. Công nghệ xử lý nước hồ treo dùng bể lọc nhanh, bền vững, kỹ thuật vận hành đơn giản, các thiết bị phổ biến trên thị trường. Từ thực tế đó cho nên đây là mô hình có thể nhân rộng, giải quyết tình trạng ô nhiễm nước ở nhiều hồ treo".
Một trong những việc trọng tâm để xử lý tình trạng ô nhiễm nước hồ treo đó là chính quyền các xã cần quan tâm công tác quản lý, vận hành, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, sử dụng nước hồ treo hiệu quả, hợp lý.
Bài và ảnh: KHÁNH TOÀN