Xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa bàn để xảy ra buôn lậu kéo dài
Thông tin từ VPTT Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, năm 2020 sẽ tiếp tục tăng cường công tác xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách để xảy ra vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, kéo dài.
Thông tin tại họp báo chuyên đề của Ban chỉ đạo 389 quốc gia về kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 diễn ra sáng 3/1, TS. Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực cho biết, năm 2019, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã đạt được một số kết quả tích cực, nhiều đối tượng, đường dây, ổ nhóm tội phạm đã bị triệt phá, nhiều đối tượng đã bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Báo cáo của văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia cho thấy năm 2019 nổi lên tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ; thuê nhà xưởng sản xuất ma túy; kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam để gian lận thương mại, gây thất thu NSNN và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn ra phức tạp trên tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang... Hiện các lực lượng chức năng tại đây đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chốt chặn những khu vực đường mòn lối mở trọng điểm và phía Trung Quốc đã xây hàng rào biên giới kiên cố nên tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã giảm hơn với thời điểm cùng kỳ năm 2018.
Trên tuyến biên giới miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới gia tăng. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy lớn. Còn trên tuyến biên giới Tây Nam bộ, mặt hàng buôn lậu, vận chuyển trái phép nổi lên vẫn là đường cát, đồ điện tử, phế liệu và hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng.
Cũng theo báo cáo, tuyến đường biển, cảng biển, mặt hàng nổi lên trên tuyến này vẫn là xăng, dầu, khoáng sản. Cùng với đó là tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa nằm trong Danh mục Cites: cá thể tê tê, vảy tê tê, ngà voi,...có chiều hướng gia tăng.
Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm bị là hàng hóa gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao và dễ cất dấu như vàng, sản phẩm động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà,...
Trong thị trường nội địa, tình trạng buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra khá phổ biến ở khắp các vùng miền, đặc biệt khu vực đô thị, với nhiều mặt hàng như xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng, điện tử, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu,… Đáng chú ý là hiện tượng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ để buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chuyển tải bất hợp pháp vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hoạt động buôn bán hàng hóa vi phạm qua mạng Internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp chân chính và quyền lợi.
Số liệu sơ bộ 11 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 196.830 vụ việc vi phạm (giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp NSNN hơn 20.118 tỷ đồng (tăng gần 4% so với cùng kỳ); khởi tố 1.883 vụ (tăng 30% so với cùng kỳ), 2.231 đối tượng (tăng gần 35% so với cùng kỳ).
Theo TS Đàm Thanh Thế, mặc dù công tác đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả có nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên tình hình buôn lậu gian lận thương mại, đặc biệt là hàng giả, hàng nhái, hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn ra phức tạp, nhất là các địa bàn trọng điểm. Tồn tại trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như cơ chế chính sách, phối hợp lực lượng, trang bị phương tiện…nhưng quan trọng nhất vẫn là tinh thần, trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ.
TS Đàm Thanh Thế cho biết, năm 2020, trên cơ sở những kết quả đạt được, để tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, trên cơ sở đó nhận diện các vấn đề phức tạp để kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng chiến lược, nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương căn cứ tình hình thực tế, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch trọng điểm nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm nổi lên trên địa bàn phụ trách. Tăng cường công tác xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách để xảy ra vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, kéo dài.
Xây dựng cẩm nang nhận diện các phương thức thủ đoạn thường được các đối tượng lợi dụng để vi phạm và các thủ đoạn mới phát sinh để phổ biến đến các bộ ngành, địa phương, qua đó kịp thời nhận diện và triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp chống lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt nhóm mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; giải pháp tăng cường quản lý nhà nước, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, đấu tranh xử lý đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.