Xử lý triệt để tội phạm ném chất bẩn vào nhà dân

Vài năm trở lại đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ việc nhà dân bị các đối tượng xấu ném chất bẩn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và tạo tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Tuy nhiên, công tác phát hiện, xử lý loại tội phạm này vẫn chưa hiệu quả.

Nhiều năm liền bị tra tấn bởi chất bẩn

Theo tìm hiểu thực tế, các vụ khủng bố nhà dân bằng "bom bẩn" thường xảy ra tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... Bà Trần Thị Nga, Bí thư Chi bộ cụm dân cư số 5, phường Ô Chợ Dừa, quận Ðống Ða (Hà Nội) cho biết, vài năm trở lại đây, một số nhà dân thuộc tổ 20 của cụm dân cư số 5 liên tục phải hứng chịu những "trận mưa" chất bẩn do các đối tượng xấu gây ra. "Nhà bà Trịnh Thị Hòa ở tổ dân phố chúng tôi bị ném chất bẩn nhiều nhất. Gần đây là vào ngày 27-3 và 22-5, nhà bà Hòa tiếp tục bị các đối tượng trộn chất thải, xác động vật chết lẫn vào sơn rồi ném khiến mùi hôi thối kéo dài hàng tuần liền, dù đã cố gắng tẩy rửa" - bà Nga nói. Ngay bản thân nhà bà Nga cũng liên tiếp bị các đối tượng ném chất bẩn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, nhất là khi nhà bà đang cho thuê làm mặt bằng để kinh doanh.

Ðiều đáng nói là, những sự việc khủng bố bằng "bom bẩn" nêu trên đã diễn ra nhiều năm và được ca-mê-ra nhà dân ghi lại. Người dân dù phản ánh lên Công an phường Ô Chợ Dừa và Công an quận Ðống Ða, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được thủ phạm. Liên quan sự việc này, Thiếu tá Lê Trọng Hiếu, Ðội trưởng Cảnh sát hình sự, Công an quận Ðống Ða cho biết, đơn vị đã nắm thông tin và có kế hoạch ngăn chặn tội phạm ném chất bẩn, cho nên từ tháng 5-2019 đến nay, tổ 20 của cụm dân cư số 5, phường Ô Chợ Dừa đã không còn xảy ra tình trạng nhà dân bị ném chất bẩn, nhưng đối tượng thì chưa được làm rõ. Tại TP Hồ Chí Minh, tháng 8 vừa qua, Công an thành phố đã bắt giữ năm đối tượng thực hiện nhiều lần hành vi ném chất bẩn vào một quán phở trên đường Pasteur (quận 3). Ban đầu, quán bị tiến công vào ban đêm, sau đó, các đối tượng ngang nhiên thực hiện hành vi này vào cả ban ngày, khiến nhiều thực khách đến quán cũng bị văng đồ bẩn vào người.

Những trường hợp nêu trên chỉ là số ít trong rất nhiều vụ việc nhà dân bị ném chất bẩn đã và đang diễn ra ở không ít địa phương trong cả nước. Bởi lẽ, có nhiều gia đình bị ném chất bẩn nhưng không trình báo lên cơ quan công an. Như tại khu vực ngõ đền Tương Thuận, phường Khâm Thiên, quận Ðống Ða, một số nhà dân tại đây trong nhiều năm thường bị ném chất bẩn, gây ảnh hưởng môi trường của cả khu dân cư. Tuy nhiên, "khổ chủ" không dám trình báo vì lo lắng có thể bị khủng bố bằng những thủ đoạn đáng sợ hơn.

Cần xử lý tận gốc

Theo cơ quan công an, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ném chất bẩn vào nhà dân thường xuất phát từ việc vay nợ, đòi nợ, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê kiểu xã hội đen, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong sinh hoạt… Các đối tượng gây án thường được thuê đi ném chất bẩn và ra tay rất "thất thường", không cố định. Loại tội phạm này dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, gây ức chế về mặt tinh thần và là nguồn cơn gián tiếp dẫn đến những vụ trọng án khi bức xúc bị đẩy lên đỉnh điểm. Tháng 6 vừa qua, Tổ công tác Ðội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Gia Lâm trong quá trình làm nhiệm vụ, phát hiện đối tượng Nguyễn Thành Trung (SN 1997, trú tỉnh Bắc Giang) cùng một số đối tượng có hành vi bẻ trộm gương ô-tô. Qua đấu tranh mở rộng, Công an xác định Trung và đồng bọn cũng chính là thủ phạm đã gây ra hai vụ ném chất bẩn, chất thải vào một gia đình ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm để đòi nợ. Trung khai, tháng 7-2018, chị Nguyễn Thị D (ở xã Ninh Hiệp) vay anh rể Trung số tiền 200 triệu đồng. Do chị D không trả nợ đúng hẹn, Trung đã rủ các đối tượng mang chất thải, chất bẩn đến ném vào nhà chị D.

Theo Ðại úy Ðoàn Bá Thành, Ðội trưởng Cảnh sát hình sự, Công an quận Long Biên (Hà Nội), để ngăn chặn có hiệu quả tội phạm đổ chất bẩn nói chung và tội phạm đổ chất bẩn có liên quan "tín dụng đen", về mặt phòng ngừa xã hội, công an phụ trách địa bàn cần tham mưu cho chính quyền địa phương, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền tại các tổ dân phố, đến từng hộ dân về phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này. Hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa, như: Không vay tiền với lãi suất vượt mức mà pháp luật quy định; kịp thời thông tin cho cơ quan công an khi bị đối tượng cho vay lãi uy hiếp, đe dọa, khủng bố; lắp ca-mê-ra tại nhà để ghi lại hình ảnh các đối tượng đến nhà đòi nợ hoặc đổ chất bẩn (nếu có). Bên cạnh đó, lực lượng công an cần làm tốt công tác nắm tình hình, lên danh sách, phân loại các ổ nhóm, đường dây, đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội, nhất là hoạt động liên quan "tín dụng đen" vì các đối tượng này thường hay sử dụng thủ đoạn ném chất bẩn, chất thải để dằn mặt con nợ hoặc giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Ðối với những địa bàn xảy ra tình trạng ném chất bẩn, cần tăng cường công tác bố trí lực lượng tuần tra, mật phục tại một số địa điểm để ngăn chặn, bắt giữ, xử lý đối tượng phạm tội. Ðặc biệt, đối với những vụ việc ném chất bẩn, cần điều tra rõ về các mối quan hệ, vấn đề vay nợ hoặc mâu thuẫn của bị hại nhằm tìm ra nguyên nhân tận gốc của vấn đề, có như vậy, việc ngăn chặn tội phạm ném chất bẩn mới hiệu quả.

Thực tế hiện nay, hoạt động đòi nợ thuê đang diễn biến phức tạp. Một số không nhỏ các công ty đòi nợ thuê bị các băng đảng giang hồ núp bóng, sử dụng nhân viên là những đối tượng từng "vào tù ra tội" dẫn đến hành vi đòi nợ trái quy định pháp luật. Bởi vậy, thời gian tới, Nhà nước nên xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, giám sát chặt loại hình kinh doanh đòi nợ thuê; đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.

LÊ TÚ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su/item/41561302-xu-ly-triet-de-toi-pham-nem-chat-ban-vao-nha-dan.html