Xử lý vấn nạn karaoke loa kéo, các ban ngành đổ trách nhiệm cho nhau
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP.HCM cho biết, để xử lý vấn nạn karaoke loa kéo, không chỉ ngành văn hóa mà còn là trách nhiệm của ngành TN-MT, Công an và quận, huyện.
Sáng 11/7, kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM bước vào phiên chất vấn giám đốc (GĐ) 2 ngành Du Lịch và Văn hóa-Thể thao.
Karaoke loa kéo tiếp tục làm nóng hội trường
Chất vấn về vấn nạn karaoke loa kéo tra tấn người dân, đại biểu (ĐB) Tăng Hữu Phong cho biết, trong phiên khai mạc HĐND, MTTQ Việt Nam TP.HCM đặt vấn đề karaoke loa kéo gây bức xúc dư luận, vậy GĐ Sở Văn hóa-Thể thao cho biết giải pháp và hướng khắc phục thế nào?
Trả lời chất vấn, GĐ Sở Văn hóa-Thể thao Huỳnh Thành Nhân cho biết, xử lý tiếng ồn karaoke loa kéo hay tiếng ồn từ môi trường khác có trách nhiệm của Sở Văn hóa-Thể thao.
Nhiều năm qua, ngành cũng đã lập nhiều đoàn thanh tra, đoàn liên ngành để kiểm tra, giám sát, xử lý.
“Theo Nghị định 155 về xử lý về môi trường, Sở Văn hóa-Thể thao không có chức năng đo tiếng ồn mà cần sự phối hợp từ ngành TN-MT hoặc phải ký hợp đồng với một đối tác bên ngoài”, ông Nhân cho biết.
Thứ hai, theo ông Nhân, nghị định 167 cho phép Công an TP được xử lý vi phạm hành chính trong an ninh, trật tự. Nhưng, mức xử lý là rất thấp, khó răn đe.
“Trong tham mưu cho UBND TP giao trách nhiệm cho các ngành liên quan để xử lý vấn nạn tiếng ồn karaoke có ngành văn hóa thể thao, ngành TN-MT, Công an và quận, huyện…Tại địa bàn dân cư, trách nhiệm là của người đứng đầu chính quyền và công an địa phương”, ông Nhân liệt kê.
Ai chịu trách nhiệm chính?
Là câu hỏi truy vấn của bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP khi nghe ông Huỳnh Thành Nhân trả lời về vấn nạn tiếng ồn karaoke.
“Tôi hỏi thì ngành TN-MT nói là trách nhiệm của ngành văn hóa, nay ngành văn hóa nói là trách nhiệm của môi trường, rồi có Công an, địa phương quận, huyện. Vậy, ngành nào chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý vấn nạn karaoke?”, bà Lệ đặt câu hỏi.
Bà Lệ yêu cầu đại diện huyện Bình Chánh trả lời thêm về việc xử lý vấn nạn này, vì theo MTTQ phản ánh, đây là địa phương từng xảy ra án mạng vì mâu thuẫn hát karaoke loa kéo.
Trả lời bà Lệ, đại diện huyện Bình Chánh cho biết, huyện thường xuyên thành lập các đoàn đề xử lý vấn đề văn hóa; về môi trường thì phòng TN-MT đo tiếng ồn. Trước mắt, chỉ có biện pháp kiểm tra, nhắc nhở.
Gắn trách nhiệm của Sở TN-MT, bà Lệ cũng yêu cầu GĐ sở này là ông Nguyễn Toàn Thắng nói về trách nhiệm của ngành.
Theo ông Thắng, vấn đề phát sinh tiếng ồn, nhất là karaoke loa kéo, từ năm 2013, Chính phủ ban hành NĐ 167, cho phép các ngành kiểm tra tiếng ồn từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Có hình thức xử phạt từ 100-300 nghìn đồng, dù thấp nhưng cũng là bước đầu.
“Đối với các nguồn gây ra tiếng ồn lớn thì ngành TN-MT đo đạc và tham mưu cho TP ra quyết định. Xử lý vấn nạn karoke quan trọng nhất là giải pháp” - theo ông Thắng.
Truy vấn lại vấn đề này, bà Tô Thị Bich Châu (Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP.HCM), tiếp tục cho biết người dân tổ chức tiệc tùng, hát karaoke làm phiền với gia đình không muốn nghe. MTTQ muốn rằng, nếu cá nhân, tập thể nào muốn hát thì không được làm phiền người khác, nhất là trong khu dân cư nhà liền kề nhau.
“Tôi ví dụ, ngày 14/4/2020 ở Bình Chánh khi hát karaoke bị người dân nhắc nhở đã xảy ra án mạng. Vì thế, MTTQ mới đề nghị chấm dứt, hoặc đưa vào hương ước, quy ước, tạo sự đồng thuận trong người dân, sau đó chính quyền mới vào cuộc xử lý”, bà Châu đề nghị.
Cũng theo bà Châu, quy định 22 giờ đến 6 giờ sáng là ban đêm, còn ban ngày thì không có ai chi phối, hát ban ngày cũng gây hệ lụy rất lớn cho gia đình có con nhỏ, người bệnh.
Tóm lại vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đề nghị Sở Văn hóa -Thể thao chịu trách nhiệm chính, rà soát lại các quy định để bổ sung vào bộ tiêu chí văn hóa, văn minh của TP. Trước mắt, tuyên truyền cho người dân biết để cùng xây dựng văn hóa cộng đồng.