Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Vừa xuống xe đã gọi điện thoại xin trợ giúp từ người thân
Ngay khi bị lực lượng chức năng tuýt còi, yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn, không ít người lập tức rút điện thoại gọi điện xin trợ giúp từ… người thân. Tuy nhiên, với việc triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý, các cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ kiên quyết không bỏ qua lỗi vi phạm cho bất cứ cá nhân và sự can thiệp nào.
Tập trung các tuyến đường trọng điểm về vi phạm nồng độ cồn
Có mặt tại ngã tư Hoàng Ngân - Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy, Hà Nội, phóng viên nhận thấy đây là khu vực sầm uất với nhiều nhà hàng, quán ăn mọc lên san sát và tất nhiên, dù chỉ ở ngoài đường nhưng vẫn nghe rất rõ những tiếng hô hào... cạn ly...1,2,3 zô...2,3 uống...
Nếu chỉ dừng lại ở việc uống xong, lên một chiếc xe taxi, hoặc một ai đó chở về nhà an toàn thì không sao, nhưng nếu liên tục cạn ly sau đó lại cầm lái thì quả thực là mối họa tiềm ẩn khó lường.
“Cầu Giấy là quận đang phát triển rất mạnh. Nhiều nhà hàng, quán nhậu, bia hơi, karaoke mở lại hoặc mở mới, nhất là sau khi toàn thành phố gỡ bỏ giãn cách xã hội, trở lại trạng thái “bình thường mới”, người dân có nhu cầu tụ tập nhiều hơn. Thời điểm này lại vào mùa hè, những quán bia hơi thì rất đông khách, đặc biệt vào khoảng thời gian từ 18h đến 20h.
Nếu không triển khai quyết liệt việc kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, thì có thể xảy ra những nguy cơ cao liên quan đến tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng” - Đại tá Thành Kiên Trung, Trưởng Công an quận Cầu Giấy cho biết.
Không chỉ triển khai tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Kế hoạch cao điểm của Bộ Công an, Cục CSGT - Bộ Công an, với sự chủ động vào cuộc, từ đầu năm đến nay, Công an quận Cầu Giấy đã giao cho Đội Cảnh sát GT-TT làm chủ công, phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và công an các phường, tổ chức điều tra cơ bản, lập chốt, tuần lưu trên các tuyến có nhiều nhà hàng, bia hơi, quán bar, karaoke, kịp thời phát hiện trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia và các chất kích thích để xử lý nghiêm.
Đối với Kế hoạch cao điểm của Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông, Đội Cảnh sát GT-TT, Công an quận Cầu Giấy đã triển khai các tổ công tác, lập chốt kiểm tra, xử lý vào các khung giờ từ 12h-14h, 18h-2h sáng hôm sau.
“Sau khi có kết quả điều tra cơ bản, chúng tôi xác định trên địa bàn quận Cầu Giấy có nhiều tuyến phố tập trung nhiều nhà hàng, quán bar, karaoke, bia hơi ví dụ như Tô Hiệu, Nguyễn Thị Định, Trần Thái Tông, Trung Hòa, Trần Duy Hưng… Tại những tuyến giao thông này, các tổ công tác lập chốt, kiểm tra đột xuất bất ngờ với bất kỳ trường hợp nào có biểu hiện nghi vấn, đề nghị đo nồng độ cồn và kiên quyết xử lý nếu vi phạm” - Trung tá Nguyễn Thế Sơn - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát GT-TT, Công an quận Cầu Giấy cho biết.
Bên cạnh đó, để tránh việc người dân nắm được các kế hoạch lập chốt của cơ quan chức năng sẽ tìm cách tránh né, đơn vị cũng triển khai các tổ tuần tra, kiểm soát lưu động để phát hiện, xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn và chất kích thích.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Đáng chú ý, phóng viên An ninh Thủ đô cũng ghi nhận tại thời điểm Đội Cảnh sát GT-TT, Công an quận Cầu Giấy làm nhiệm vụ, một số người ngay khi được đề nghị xuống xe để đo nồng độ cồn thì việc đầu tiên là gọi điện thoại tìm sự trợ giúp từ người thân. Họ không hiểu rằng, nếu như lực lượng chức năng bỏ qua lỗi vi phạm, khi xảy ra tai nạn giao thông thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Người “chống lưng” liệu có ra mặt chịu sự trừng phạt của pháp luật khi “xin xỏ” cho người vi phạm hay không?
“Chúng tôi yêu cầu cán bộ chiến sĩ trong quá trình làm nhiệm vụ kiên quyết không nhân nhượng, bỏ qua bất cứ trường hợp nào vi phạm dù có bất cứ mối quan hệ nào tác động. Không ai lường trước được hậu quả khi tai nạn giao thông xảy ra. Bài học từ những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng còn đó. Nếu chúng tôi bỏ qua vì có ai đó can thiệp, đến lúc xảy ra vấn đề gì, thì trước tiên là lỗi của chúng tôi…” Trung tá Lê Thế Tùng, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy nhìn nhận.
Không chỉ gọi điện thoại nhờ vả, nhiều người khi bị yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn thì cố tình thổi sai, không thổi, hoặc viện đủ lý do để kéo dài thời gian của lực lượng làm nhiệm vụ. Thậm chí, một số trường hợp có hành vi lệch chuẩn, sử dụng lời nói, hành động quá khích…
Tuy nhiên, trước những hành vi này, lực lượng làm nhiệm vụ vẫn nhẹ nhàng, ân cần giải thích, động viên, thuyết phục. “Chúng tôi chủ yếu giải thích để họ hiểu được lỗi vi phạm của mình là gì, có thể dẫn tới hậu quả ra sao, trước tiên là cho chính bản thân họ, sau đó là người xung quanh” - Cán bộ Đội cảnh sát GT-TT chia sẻ.
Anh Đào Đức L., SN 1997, trú tại tỉnh Hưng Yên, một nhân viên ngân hàng phân trần, bản thân vừa mới đi gặp khách hàng nên uống hơi quá chén. Người này cũng thừa nhận lỗi vi phạm, nhưng lại xin được phạt nhẹ để… rút kinh nghiệm.
Hay như trường hợp của anh Nguyễn Như M., SN 1981, trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội cho rằng, bản thân sau khi đi làm về thì uống vài cốc bia, chứ cũng không say dẫn tới những nguy hiểm tiềm ẩn như các cán bộ chiến sĩ chỉ ra.
Thực tế chỉ ra rằng, không ai uống rượu bia rồi cầm lái mà biết chắc sẽ có tai nạn xảy ra. Và dù có không ít những vụ việc thương tâm đã xảy ra, nhưng nhiều người lại tặc lưỡi “số cả”. Rõ ràng, bản thân họ cũng đang coi thường tính mạng của mình chứ chưa nói đến những người khác.
“Trong thời gian tới, CAQ Cầu Giấy sẽ triển khai nhiều biện pháp, giải pháp liên quan đến kế hoạch xử lý vi phạm nồng độ cồn và các chất kích thích. Đặc biệt, các chủ quán, quản lý, nhân viên nhà hàng, quán bar, karaoke, quán bia hơi… sẽ phải cam kết chịu trách nhiệm đối với từng khách hàng, không để diễn ra tình trạng khách sử dụng rượu bia vẫn cầm lái ô tô, xe máy” - Chỉ huy CAQ Cầu Giấy khẳng định.