Xử lý vi phạm tại các hồ chứa thủy lợi tại huyện Sóc Sơn: Không quyết liệt, khó giải quyết dứt điểm
Liên quan đến vi phạm hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện Sóc Sơn, các đơn vị liên quan thừa nhận việc xử lý vi phạm còn chậm, đồng thời đề cập tới nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, giải tỏa vi phạm.
Vi phạm tiếp diễn
Từ đầu năm 2021 đến nay, hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) là khu vực xảy ra nhiều vi phạm công trình thủy lợi nhất. Thống kê của UBND xã cho thấy, đã có 29 vi phạm phát sinh được ghi nhận tại khu vực hồ chứa lớn nhất nhì trên địa bàn huyện Sóc Sơn này.
Vừa qua, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trở lại khu vực hồ Đồng Đò. Tại một trong những công trình vi phạm, chúng tôi nhận thấy tình trạng xây dựng trái phép vẫn tiếp diễn. Ít ngày trước, công trình chỉ có bờ kè bằng đá, nay phát sinh thêm hạng mục trồng hoa, cây cảnh.
Điều đáng nói, việc quản lý những chủ thể vi phạm đang gặp nhiều khó khăn. Tại hai hồ chứa có nhiều vi phạm nhất trên địa bàn huyện Sóc Sơn là Đồng Đò (xã Minh Trí) và Đồng Quan (xã Phù Linh), chính quyền địa phương thậm chí không biết chủ thể của một số vi phạm là ai để liên hệ xử lý (?!)
Đặc biệt tại khu vực hồ Đồng Quan, các đối tượng ngang nhiên dựng rào chắn bảo vệ những diện tích đất đổ để san lấp trái phép khu vực ven hồ chứa. Trong khi chính quyền xã Phù Linh không có bất cứ động thái nào để ngăn chặn, xử lý hành vi được đánh giá là xem thường pháp luật này.
Nơi rốt ráo, chỗ lơi là
Thực tế thời gian qua, UBND huyện Sóc Sơn đã quan tâm, có nhiều văn bản chỉ đạo các xã để xảy ra nhiều vi phạm hồ chứa như: Minh Trí, Phù Linh tập trung quản lý, xử lý các hành vi trái phép xâm hại công trình thủy lợi. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi tại cơ sở đạt được còn rất thấp.
Chủ tịch UBND xã Minh Trí Đinh Văn Bảo cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, địa phương đã yêu cầu 5 đơn vị phải dừng thi công trái phép, hoàn trả hiện trạng khu vực hồ chứa Đồng Đò. Riêng trong tháng 5/2021, lực lượng chức năng của xã đã nhiều lần ra quân, phát hiện và xử lý các trường hợp đang thi công. Thu giữ nhiều vật dụng, trang thiết bị của các chủ thể như: Xe rùa, máy khoan cắt bê tông, máy hàn, cuốc, xẻng…
Dù vậy, ông Bảo cũng chia sẻ nhiều khó khăn trong quản lý, xử lý các hành vi vi phạm. Nổi cộm trong đó là việc các đối tượng thường lợi dụng thời điểm nghỉ lễ, cuối tuần hoặc ban đêm để thi công lén lút các hạng mục công trình. Trong khi đó, lực lượng chức năng của địa phương lại khá mỏng khiến việc phát hiện, ngăn chặn vi phạm cũng trở nên khó khăn.
Liên quan đến tiến độ xử lý các vi phạm hồ chứa, đại diện UBND xã Minh Trí cho biết, sẽ phối hợp với Xí nghiệp thủy lợi Sóc Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội) rà soát cụ thể từng trường hợp để lập biên bản vi phạm. Đồng thời, tăng cường tuần tra, giám sát để ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh tại khu vực hồ Đồng Đò.
Trong khi đó, tại khu vực hồ chứa Đồng Quan, dù số lượng vi phạm ít hơn, tuy nhiên việc quản lý các hành vi trái pháp luật tại đây lại chưa thực sự được chính quyền xã Phù Linh quan tâm sâu sát và chủ động xử lý. Theo Chủ tịch UBND xã Phù Linh Lê Văn Quy, các hành vi vi phạm hồ chứa Đồng Quan đều đã được lập biên bản, yêu cầu dừng thi công.
Dù vi phạm đã được xác định, tuy nhiên, đại diện lãnh đạo UBND xã Phù Linh cho hay: Vẫn đang chờ các văn bản chỉ đạo của huyện mới giải quyết được (?!). Đáng lo hơn, trong khi chính quyền xã loay hoay với việc xử lý vi phạm cũ thì những vi phạm mới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Theo phân cấp, 8 hồ chứa thủy lợi lớn và vừa trên địa bàn huyện Sóc Sơn đều được UBND TP giao Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội quản lý, khai thác. Do không quản lý trực tiếp nên việc xử lý các hành vi vi phạm hệ thống công trình này của địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là liên quan đến quy trình thiết lập hồ sơ vi phạm…” - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Sóc Sơn Lê Thị Hải