Xử lý video nhảm nhí, độc hại: Quyền trong tay người sử dụng mạng

Khi nhà cung cấp dịch vụ nhận được nhiều báo cáo về cùng một nội dung xấu, chủ kênh có thể bị giảm mức độ tương tác hoặc thậm chí bị loại bỏ ra khỏi hệ thống.

Ngày 6/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý những video có nội dung nhảm nhí, giật gân tràn lan trên mạng xã hội.

Ông Nguyễn Lâm Thanh – Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam đã có buổi trao đổi với phóng viên VOV.VN về những khó khăn, thuận lợi khi giải quyết vấn đề này.

Bên cạnh công việc trong Hội, ông Thanh hiện là Giám đốc Chính sách và Đại diện Tiktok tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Phú

Bên cạnh công việc trong Hội, ông Thanh hiện là Giám đốc Chính sách và Đại diện Tiktok tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Phú

PV: Vừa qua Thủ tướng đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an cùng các cơ quan liên quan khác xử lý các video nhảm nhí trên mạng. Trước hết, ông cho rằng thế nào là “video có nội dung nhảm nhí”?

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Trên thực tế, chúng ta chưa thấy một định nghĩa rõ ràng thế là một video nhảm và độc. Tuy nhiên, mạng xã hội là tấm gương phản chiếu của cuộc sống thực tiễn, những hành động nào ở ngoài đời sống thực tế được coi là nhảm, là độc thì trên mạng xã hội cũng như vậy. Hay nói cách khác, những nội dung vô bổ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam có thể coi là những video nhảm, xấu và độc. Với định nghĩa như vậy, nội dung trên mạng xã hội sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật cũng như các quy tắc đạo đức của người Việt.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần loại bỏ một loại video nhảm, độc và xấu khác, đó là thông tin sai sự thật – fake news.

Huấn "hoa hồng" bị phạt 7,5 triệu đồng vì xúc phạm, vu khống thanh niên, công chức ở TP.HCM sử dụng ma túy. Nguồn ảnh: Công an TP.HCM

Huấn "hoa hồng" bị phạt 7,5 triệu đồng vì xúc phạm, vu khống thanh niên, công chức ở TP.HCM sử dụng ma túy. Nguồn ảnh: Công an TP.HCM

PV: Vậy khi không có một định nghĩa, ranh giới rõ ràng cho các video nhảm và độc, theo ông, cơ quan chức năng có thể quản lý, phân loại những video này như thế nào để tránh vi phạm quyền tự do ngôn luận của công dân?

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Vào năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì một đề án để xây dựng bộ khung tiêu chuẩn cho các nội dung trên mạng xã hội: Tiêu chuẩn cộng đồng cho các mạng xã hội tại Việt Nam. Tuy đề án chưa đưa ra được kết quả cuối cùng, nhưng trong nội dung của đề án đã và đang bàn tới định nghĩa thế nào là những nội dung nhảm, độc, không nên xuất hiện trên mạng xã hội với những tiêu chí và cả những biện pháp xử lý cụ thể.

PV: Hầu hết các mạng xã hội phổ biến hiện nay đều có nguồn gốc “ngoại nhập”. Để giải quyết tình trạng video có nội dung nhảm nhí xuất hiện trên những nền tảng này tại Việt Nam, chúng ta cần đến sự hợp tác quốc tế như thế nào? Quy trình xử lý ra sao?

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Tất cả những nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khi tương tác trong không gian lãnh thổ Việt Nam buộc phải tuân thủ Pháp luật Việt Nam. Nếu một nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam xuất hiện trên nền tảng của họ, chính quyền Việt Nam, cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông có quyền yêu cầu gỡ bõ. Cơ chế gỡ bỏ hiện đã có. Thông thường sau khi nhận được yêu cầu từ phía cơ quan chức năng của Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ trả lời trong vòng 24 giờ. Quy trình làm việc sẽ tùy thuộc vào từng nhà cung cấp dịch vụ cụ thể.

Hưng Vlog từng bị phạt hai lần trước khi bị đóng kênh Youtube. (Một lần 7,5 triệu và một lần 10 triệu). Nguồn ảnh: An Ninh Thủ đô

Hưng Vlog từng bị phạt hai lần trước khi bị đóng kênh Youtube. (Một lần 7,5 triệu và một lần 10 triệu). Nguồn ảnh: An Ninh Thủ đô

P/V: Gần đây, một vài kênh sản xuất nội dung xấu trên một mạng xã hội đã bị rà soát và xử phạt. Tuy nhiên chỉ với 1 clip nổi bật có gần 7 triệu lượt xem, chủ kênh đã có thể thu về khoảng 150 triệu đồng hoặc hơn. Liệu mức phạt 7 hay 10 triệu đồng là quá nhẹ?

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Việc phạt tiền đối với các kênh sản xuất nội dung xấu chỉ là một phần của câu chuyện. Trên thực tế, không ít người làm nội dung vì lợi nhuận hoặc câu view sẽ tìm cách lách luật hoặc đưa những nội dung của mình tiệm cận vào mức độ bị phạt hoặc bị cấm. Ví dụ: sử dụng các câu từ lóng, từ viết tắt, thay vì mặc hở thì mặc mỏng,…Cái cần có ở đây là một cơ chế hiệu quả hơn để giảm uy tín, giảm lượt xem, lượt theo dõi của những kênh sản xuất video, nội dung nhảm, độc.

Tuy nhiên, nếu sau khi phạt tiền mà lượng người theo dõi, lượt xem vẫn không hề thay đổi thì cần phải xem xét lại phương pháp. Tôi nghĩ đây là một câu hỏi mở cho các nhà quản lý trong cuộc.

P/V: Có cầu mới có cung. Từ góc độ vừa là một chuyên gia truyền thông, vừa là một người sử dụng Internet, theo ông, để giải quyết vấn đề này triệt để nên bắt đầu từ đâu?

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Từ góc độ của một chuyên gia trong ngành, theo tôi, chúng ta có hai việc trước mắt cần làm:

Một là khuyến khích người xem chủ động báo cáo những nội dung độc, hại cho nhà cung cấp dịch vụ. Gần như bất kỳ mạng xã hội nào cũng có chức năng báo cáo – report những video, nội dung phản cảm cho người dùng. Khi nhà cung cấp dịch vụ nhận được nhiều báo cáo về cùng một nội dung xấu, chủ kênh có thể bị giảm mức độ tương tác hoặc thậm chí bị loại bỏ ra khỏi hệ thống.

Hai là tiếp tục tôn vinh những người làm nội dung tốt. Càng nhiều nội dung tích cực, nội dung tốt thì tỉ lệ nội dung xấu càng ít. Không ít kênh nội dung tốt, đầu tư có tới hàng trăm, thậm chí hàng triệu người theo dõi, sức ảnh hưởng tới cộng động là không hề nhỏ. Hiện tại, chúng ta lại chưa hề có cơ chế riêng nào cho họ.

Tôi nghĩ Bộ Thông tin và Truyền thông có thể phối hợp với các hiệp hội tạo ra các cơ chế, giải thưởng riêng để nâng cao sự lan tỏa, khẳng định uy tín của những kênh nội dung chất lượng.

P/V: Xin cảm ơn ông./.

Thi Uyên - Trọng Phú/VOV.VN (thực hiện)

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/xu-ly-video-nham-nhi-doc-hai-quyen-trong-tay-nguoi-su-dung-mang-785082.vov