Xử lý vướng mắc tại trạm BOT QL91 Cần Thơ - An Giang
Hiện nay phương án đang được xem xét là 'Không thu phí trạm thu phí T2 và nhà nước hoàn trả cho nhà đầu tư khoảng 454,296 tỷ đồng
Sau khi Tạp chí GTVT có bài viết về rủi ro mà nhà đầu tư dự án BOT Ql 91 Cần Thơ – An Giang thì Tổng cục ĐBVN cho biết: Ngay tại thời điểm xảy ra mất an ninh trật tự tại trạm thu phí T2, Tổng cục ĐBVN và Nhà đầu tư đã có nhiều cuộc họp để xây dựng các phương án xử lý và phương án giảm giá vé cho các phương tiện qua trạm đã được lựa chọn. Việc giảm giá vé đã đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên một số chủ phương tiện qua trạm vẫn không đồng ý, tiếp tục gây mất trật tự an toàn và đến ngày 25/5/2019 trạm đã tạm dừng thu phí.
Hiện nay, phương án xử lý vướng mắc tại trạm đang được Bộ GTVT thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ: “Không thu tiền dịch vụ sử dụng tại Trạm T2 QL91 và vốn ngân sách hỗ trợ cho phần đầu tư QL91B (từ nguồn ngân sách Thành phố Cần Thơ hoặc Trung ương)”. Đồng thời do QL91B thuộc nội đô cửa ngõ phía tây Thành phố Cần Thơ để phù hợp với nhu cầu phát triển đô thị, UBND Thành phố Cần Thơ có thể tiếp nhận lại QL91B để quản lý vận hành khai thác và bảo trì để thành phố quản lý, vận hành cho đường đô thị (xây dựng hệ thống chiếu sáng, cảnh quan đô thị…).
Về việc ảnh hưởng đến phương án tài chính và thu hồi vốn từ nhà đầu tư, Tổng cụ ĐBVN cho biết thêm: Hiện nay dự án chỉ thu phí tại Trạm thu phí T1, doanh thu thực tế của dự án đạt 97% theo phương án tài chính của hợp đồng. Nhưng trong năm 2021 doanh thu thực tế chỉ đạt 73%.
Đối với phương án không thu phí tại trạm T2 thì việc tách hợp đồng dự án và hoàn trả kinh phí cho nhà đầu tư là cần thiết. Bởi việc mở rộng và tăng cường nền, mặt đường Quốc lộ 91B đoạn từ Km0 đến Km15+793 là một hạng mục đầu tư nằm trong Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 theo hình thức Hợp đồng BOT. Theo Hợp đồng BOT, việc hoàn vốn đầu tư được lấy từ nguồn thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Do vậy, nếu tách hạng mục đầu tư Quốc lộ 91B khỏi hợp đồng dự án thì phải có nguồn kinh phí hoàn trả cho nhà đầu tư khoảng 454,296 tỷ đồng (chưa kể lãi phát sinh). Hiện nay phương án đang được các bên xem xét để giải quyết dứt điểm các vấn đề có liên quan đến Trạm thu phí T2 là “Không thu phí trạm thu phí T2 và nhà nước hoàn trả kinh phí liên quan đến đầu tư Quốc lộ 91B”
Về việc đẩy nhanh quá trình xử lý các vướng mắc nếu trên, Tổng Cục ĐBVN cho biết: Đoạn tuyến Quốc lộ 91B đoạn từ Km0 đến Km15+793 QL91B đang thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 theo hình thức Hợp đồng BOT. Dự án này do Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án quản lý, khai thác, do vậy không có cơ sở để làm việc với địa phương để bàn giao. Tổng cục ĐBVN sẽ làm việc với các địa phương sau khi có chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.