'Xứ Mường' gìn giữ sắc màu văn hóa
Mường Khương, miền biên ải hũng vỹ nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lào Cai, là nơi sinh sống của hơn 66.000 người dân thuộc 23 thành phần dân tộc anh em. Sự đa sắc màu ấy gợi mở về một kho giá trị văn hóa độc đáo đã và đang được gìn giữ, phát huy.
Sinh ra và lớn lên trong mạch nguồn dân ca của đồng bào Nùng Dín, cả đời Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Xín Hòa, thôn Pạc Ngam, xã Nấm Lư say đắm, trăn trở với những làn điệu dân ca. Theo nghệ nhân Hòa, kho dân ca của dân tộc ông rất phong phú và giàu giá trị, đó là kết tinh sản phẩm trí tuệ của người Nùng Dín trong quá trình lao động, sinh hoạt, sản xuất.
Men theo những bài dân ca là bao câu chuyện, lời răn dạy mà người xưa đúc kết, truyền tải. Sự trao truyền, tiếp nối để vang mãi những làn điệu dân ca là minh chứng cho thấy sức sống bền bỉ, sự gắn kết truyền đời của dân tộc có số dân đứng thứ 2 trên địa bàn huyện Mường Khương.
Giờ đây, đến xã Nấm Lư, chẳng phải ngày hội xuân, không cần dịp lễ tết, những câu dân ca của người Nùng Dín vẫn vang lên trong mỗi nếp nhà, trên lưng đồi. Bà Sin Thị Phượng, thôn Pạc Ngam bảo, dân ca đi theo người Nùng Sín suốt dọc cuộc đời, mỗi khi cất lên lời ca hân hoan, những mệt mỏi, lo âu như dần tan biến. Mỗi dịp giao lưu, sinh hoạt cộng đồng, bà Phượng luôn lắng nghe lời ca do nghệ nhân Hoàng Xín Hòa thể hiện để tự trau dồi ca từ, thêm yêu bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Dân ca của người Nùng Dín là một phần trong bức tranh văn hóa rực rỡ sắc màu ở “xứ Mường”. Và cây đại thụ Hoàng Xín Hòa là một trong số những nghệ nhân từng ngày cần mẫn, miệt mài truyền dạy những nét văn hóa đặc trưng ở vùng biên ải xa xôi.
Sự góp mặt của 23 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có những phong tục, tiếng nói, bản sắc riêng đã tạo nên tài nguyên nhân văn phong phú, độc đáo ở Mường Khương. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Mường Khương có 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, điển hình như đồng bào Thu Lao ở xã Tả Gia Khâu có lễ cúng rừng; người Nùng Dín góp mặt có 2 di sản là nghề Chàng Slaw (nghệ thuật tranh giấy) và nghệ thuật trang trí trên trang phục; người Mông với lễ hội Gàu tào và trống trong nghi lễ; người Bố Y với Tết Sử Giề Pà (lễ tạ ơn trâu) và người Pa Dí với nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống.
Mỗi cộng đồng lại có những “hạt ngọc” góp phần tỏa sáng, gìn giữ nét văn hóa độc đáo ở Mường Khương. Toàn huyện hiện có 5 nghệ nhân được công nhận, một số người nay tuổi đã cao, sức yếu song vẫn đang tích cực hoạt động gìn giữ, trao truyền cho thế hệ sau những giá trị tốt đẹp có tự bao đời.
Gìn giữ và phát triển
Sức hút đến từ bản sắc văn hóa ở Mường Khương đã dẫn lối để tôi tìm gặp bà Pờ Chin Dín, thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương. Là người con của dân tộc Pa Dí, đến nay, bà Dín vẫn luôn yêu thích, tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc mình. Năm 2020, khi nghệ thuật trang trí trên trang phục người Pa Dí được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, niềm vinh dự, tự hào của đồng bào Pa Dí như nâng lên một bước, bởi lẽ, bản sắc văn hóa ấy đã vượt qua giới hạn bản làng ở “xứ Mường”.
Cặm cụi từng đường kim, mũi chỉ, bà Dín trải lòng: Để làm ra một bộ trang phục truyền thống của người Pa Dí cần trải qua nhiều công đoạn. Cùng với sự vận động của xã hội, từng có thời điểm nét văn hóa này vắng bóng, nhiều người chẳng mặn mà. Trăn trở khi bản sắc văn hóa của đồng bào đang có nguy cơ mai một, bà Dín vẫn giữ nghề làm trang phục truyền thống và chỉ dạy miễn phí cho những thế hệ trẻ trong suốt hàng chục năm qua.
Tìm hiểu về câu chuyện bảo tồn bản sắc văn hóa ở Mường Khương càng giúp chúng tôi thêm yêu mến, cảm phục những con người đang ngày đêm lặng lẽ, góp sức vì bức tranh văn hóa tươi sáng chốn này. Đó là Câu lạc bộ dân ca Nùng Dín do nghệ nhân Hoàng Xín Hòa làm chủ nhiệm. Câu lạc bộ được thành lập từ năm 2012 với 18 thành viên, trong đó có hơn một nửa thành viên là người cao tuổi, đến nay số thành viên nâng lên 24 người, nhiều người có tuổi đời rất trẻ.
“Khi mới thành lập, chúng tôi xác định lấy những người cao tuổi, am hiểu dân ca làm gốc để truyền dạy, khơi lửa tình yêu dân ca trong đồng bào. Từ cái gốc đó đã nuôi cho "cây" lớn, đâm nhành. Hôm nay, khi những lớp người cao tuổi đang dần lùi xa thì lớp trẻ trở thành người kế thừa, là những nhành cây tươi tốt, vươn mãi lên trời xanh, như sức sống bền bỉ, trường tồn của dân ca Nùng Dín.
------- Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Xín Hòa ------
Không chỉ đồng bào Pa Dí, người Nùng Dín, câu chuyện về bảo tồn bản sắc văn hóa trở thành nỗi trăn trở, là trách nhiệm của các cấp, các ngành ở Mường Khương và tự trong chính mỗi tộc người vùng biên cương. Xác định rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa, huyện Mường Khương đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch và đặc biệt là Nghị quyết 10 ngày 15/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống huyện Mường Khương giai đoạn 2020 - 2025.
Theo ông Phạm Xuân Thái, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Khương, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc, điều quan trọng là phải khơi dậy trách nhiệm, sự tham gia của các cấp, ngành và tình yêu, lòng tự hào, gắn bó với các giá trị văn hóa của đồng bào.
Văn hóa Mường Khương không chỉ là một bức tranh riêng lẻ, độc lập mà cần được đặt trong tổng thể bức tranh văn hóa của toàn ngành, trong toàn cảnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Do vậy, đây tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng mà Mường Khương quan tâm thực hiện, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp, để mạch nguồn văn hóa của quá khứ tiếp tục chảy trôi, đắp bồi cho lớp lớp thế hệ đồng bào các dân tộc nơi đây trong câu chuyện hôm nay và mai sau.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/xu-muong-gin-giu-sac-mau-van-hoa-post368027.html