Xứ Nẫu - Bình định, Phú yên: Trời xanh, biển xanh, cát trắng, nắng vàng
Xứ Nẫu là cụm từ thân thương để nói về vùng đất Bình Định, Phú Yên. Nơi đây có nhiều bãi biển nổi tiếng với nước biển trong xanh nổi bật trên nền cát trắng, tạo nên khung cảnh thơ mộng, trữ tình.
Kỳ Co - Eo Gió: Thiên đường biển
Bãi biển Kỳ Co (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) mang một vẻ đẹp nguyên sơ, quyến rũ với biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, sáng ngắm ánh bình minh trên biển, chiều đón hoàng hôn xuống núi. Du khách cũng được trải nghiệm lặn ngắm san hô, dù bay, phao chuối và những show diễn hải cẩu, cá heo… vô cùng đặc sắc.
Cũng tại xã Nhơn Lý, thắng cảnh Eo Gió là một eo biển đẹp, hình vòng cung được những rặng núi đá cao uốn cong ôm trọn vào lòng. Nhìn từ xa, Eo Gió giống như một yên ngựa, nằm giữa 2 mỏm núi cao kề bên biển. Nếu đứng từ trên cao nhìn xuống lại tựa như một cái phễu, vì thế Eo Gió luôn đón gió từ biển thổi vào với sức gió rất mạnh.
Từ trên đỉnh Eo Gió, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa và nhìn toàn quang cảnh xã Nhơn Lý như nằm dưới chân mình. Du khách sẽ thấy nào là cảnh ngư dân đánh bắt cá, cảnh bà con mua hải sản khi thuyền vào bờ, tịnh xá Ngọc Hòa với tượng Phật Bà Quan Âm 2 mặt lớn nhất Việt Nam... Tất cả hòa quyện với nhau giữa mênh mông biển trời, tạo nên một thắng cảnh Eo Gió tuyệt đẹp như chốn “bồng lai”.
Hòn Khô - Nhơn Hải: “Người đẹp bên bờ biển”
Bãi biển Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) mang hình cánh én lượn cùng sóng biển vỗ bờ sẽ khiến du khách không khỏi thích thú, choáng ngợp và không thể nào quên. Khi thủy triều cạn, dãy thành cổ Chăm Pa nhô cao trên mặt biển, du khách có thể nhờ ngư dân bơi thúng đưa mình ra biển để lên thành cổ. Dạo chơi, bắt ốc, câu cá… trên dãy thành cổ Chăm Pa là trải nghiệm cực lạ mà chỉ Nhơn Hải mới có.
Nổi tiếng ở xã Nhơn Hải là đảo Hòn Khô được ví như “người đẹp bên bờ biển”. Không chỉ sở hữu làn nước biển xanh trong, đảo này còn được bao bọc bởi những rạn san hô muôn màu. Nhìn từ trên cao, san hô hiện lên khá rõ, tạo nên những mảng màu đẹp mắt.
Chưa hết, Hòn Khô còn mang vẻ đẹp kỳ ảo khi vào mùa rong mơ. Từ trên cao nhìn xuống, du khách phải trầm trồ bởi khung cảnh siêu thực của những thảm rong mơ vàng óng, mềm mại đu đưa theo chuyển động của những chiếc thuyền nhẹ lướt giữa làn nước lấp lánh như pha lê. Ngoài ra, Hòn Khô còn sở hữu các loài động, thực vật quý hiếm, trong đó có nhiều loại rùa biển.
Cù Lao Xanh: “Viên ngọc xanh” của biển
Cù Lao Xanh chính là xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn). Đây là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho người dân Bình Định. Bởi, đến đây, du khách sẽ được đắm mình trong một không gian xanh bất tận của biển xanh, trời xanh, đảo xanh.
Đến Cù Lao Xanh, du khách sẽ được trải nghiệm lướt ca nô vi vu trên biển, ngắm nhìn phố biển Quy Nhơn từ khơi xa tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, du khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống bình dị của ngư dân xã đảo; khám phá nét hoang sơ với những hòn đá đủ hình thù, với sự hùng vĩ, bao la của trời - biển và núi non.
Ngoài ra, ở Cù Lao Xanh, du khách còn được chiêm ngưỡng ngọn hải đăng có chiều cao 118m so với mặt biển được xây dựng cách nay hàng trăm năm; được tắm nước suối Giếng Tiên mà huyền thoại xưa kia vào những đêm trăng sáng, các nàng tiên trên trời thường xuống đây để du ngoạn, tắm mát và vui đùa.
Ghềnh Đá Đĩa - Tháp Nghinh Phong: Kiệt tác của đá
Ghềnh Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) được xem là kiệt tác của đá mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất này, trở thành “viên ngọc quý” của du lịch Phú Yên.
Đá ở Ghềnh Đá Đĩa có màu đen huyền hoặc nâu vàng xếp thành cột, nửa chìm, nửa nổi trên mặt nước biển. Ở đây như có một bàn tay vô hình bê từng phiến đá lục giác, bát giác xếp chồng lên nhau. Nhìn từ xa, thắng cảnh này trông rất giống một chiếc đĩa khổng lồ.
Loại đá làm nên Ghềnh Đá Đĩa là đá bazan được hình thành hơn 200 triệu năm. Các nhà khoa học nhận định, khi núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa (cách vị trí Ghềnh Đá Đĩa khoảng 30km) hoạt động, các dòng nham thạch phun trào gặp nước lạnh làm những khối nham thạch bị nứt ra, tạo thành những phiến đá mang hình thù như ngày nay.
Tháp Nghinh Phong (tọa lạc ở phường 9, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) là công trình có 2 tháp đối xứng cao lần lượt 28m và 34m nằm bên bờ biển Tuy Hòa. Ở giữa 2 tháp là khe đón gió làm nên tên gọi nghinh phong. Các khối đá được thi công theo nghệ thuật sắp xếp hình khối khéo léo theo biểu tượng của danh thắng Ghềnh Đá Đĩa.
Ban đêm, tháp được chiếu sáng bởi hệ thống đèn màu bằng công nghệ Bobine Tesia, 3D mapping và laze cường độ cao, tạo nên vũ điệu ánh sáng đa sắc màu. Tháp Nghinh Phong vinh dự được nhận 2 giải thưởng danh giá, gồm: Công trình du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2023 và Cảnh quan đô thị châu Á 2023.
Bãi Xép: Hoa vàng trên cỏ xanh
Với những phân cảnh tuyệt đẹp trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Bãi Xép (xã An Chấn, huyện Tuy An) đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách với khung cảnh thiên nhiên bao la, thơ mộng.
Bờ biển ở Bãi Xép chỉ dài 500m nhưng lại sở hữu những cảnh quan thiên nhiên hài hòa, đặc sắc với bãi cát vàng óng ánh cùng đồng cỏ và rừng phi lao chạy dài bát ngát.
Dọc theo những bờ cát mịn màng là những vách đá có màu đen huyền kỳ thú nhô ra bờ biển. Mỗi đợt sóng ùa vào tung lên những làn bọt trắng xóa giữa biển trời mênh mông.
Mũi Đại Lãnh: Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền
Mũi Đại Lãnh (còn gọi là Mũi Điện, xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) trông như một ngọn núi, lại giống như một hòn đảo vì có một con suối nước ngọt tách nó ra khỏi đất liền nhưng thực chất nó lại là đất liền.
Trên đỉnh Mũi Đại Lãnh có ngọn hải đăng cao khoảng 26m, ở độ cao hơn 100m so với mặt nước biển và có thể phát tín hiệu ánh sáng đi xa 27 hải lý. Đây là 1 trong 8 ngọn hải đăng có tuổi trên 100 năm trong tổng số 79 ngọn hải đăng đang hoạt động tại nước ta. Đặc biệt, Mũi Đại Lãnh được xem là nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Tổ quốc.
Dưới chân Mũi Đại Lãnh là Bãi Môn. Đây là một bãi biển vẫn còn khá hoang sơ, có hình vầng trăng khuyết với đường bờ biển dài khoảng 400m, độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn, nước trong vắt như pha lê. Một điều đặc biệt, khi nhìn từ trên cao, Mũi Đại Lãnh và Bãi Môn kết hợp với nhau tạo thành hình cong cong chữ S tựa đường bờ biển Việt Nam trên đất liền.