Xử nghiêm đơn vị 'ý thức, trách nhiệm kém' trong giải ngân đầu tư công
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu, sở, ngành nào, ban quản lý dự án nào, địa phương, đơn vị nào để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, được xác định do nguyên nhân chủ quan, do ý thức trách nhiệm kém thì nhất quyết phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân để xử lý nghiêm theo quy định.
Chiều 29/6, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cơ bản nhất trí với đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố về chủ trương điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 ngân sách cấp thành phố;
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công bảo đảm theo đúng quy định, hiệu quả và sát với tiến độ triển khai thực hiện và nhu cầu vốn của các dự án, nhất là các chương trình, dự án trọng điểm (bao gồm cả dự án điều chỉnh giảm và dự án điều chỉnh tăng kế hoạch vốn), phù hợp với khả năng cân đối ngân sách thành phố cũng như khả năng cân đối vốn đối ứng của ngân sách cấp huyện; tránh phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nhiều lần trong năm.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu các giải pháp có tính căn cơ, tính đột phá nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của các cấp, ngành, địa phương, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt kết quả cao nhất, tối thiểu phải đạt tỷ lệ giải ngân trên 90%.
Về giải pháp, Bí thư Thành ủy chỉ đạo tiếp tục siết mạnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, cấp quản lý; xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của người đứng đầu và cán bộ, công chức liên quan.
Ông Dũng nhấn mạnh, Sở, ngành nào, ban quản lý dự án nào, địa phương, đơn vị nào để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, được xác định do nguyên nhân chủ quan, do ý thức trách nhiệm kém thì nhất quyết phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân để xử lý nghiêm theo quy định.
Bí thư Thành ủy yêu cầu 6 tổ công tác do các Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng phải vào cuộc quyết liệt hơn, thực chất hơn, tập trung kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; chịu trách nhiệm về kết quả triển khai của tổ công tác; định kỳ hằng tháng báo cáo kết quả công tác với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy.
Bí thư Hà Nội cũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất cao với báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của thành phố.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II ước tăng 9,49%, cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm (6,4-6,9%); lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, GRDP tăng 7,79%, gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021, gấp 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19). Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố thực hiện tăng khá cao, tăng 20,2% so với cùng kỳ và đạt 56,8% dự toán trung ương giao.
Ông Dũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành, địa phương tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra nhằm hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%, bảo đảm cân đối thu - chi ngân sách và kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Ông Dũng chỉ đạo tập trung triển khai các công việc theo kế hoạch và tiến độ đề ra đối với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo chủ trương đầu tư đã được Bộ Chính trị và Quốc hội thông qua; tiếp tục triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Về Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất việc nghiên cứu, xây dựng Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030.
Lưu ý một số mục tiêu, yêu cầu đối với Chương trình, Bí thư Thành ủy chỉ đạo phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ quản lý theo quy hoạch.
Phát triển nhà ở phải gắn với phát triển đô thị bền vững, định hướng chương trình phát triển đô thị, phát triển đô thị vệ tinh, hướng trục vành đai; định hướng phát triển theo đề án đầu tư xây dựng 5 huyện thành quận; mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).
Phát triển nhà ở phải bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm văn minh, hiện đại, thông minh; nâng cao chất lượng nhà ở, bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở như nhau đối với từng loại hình phát triển nhà ở. Định hướng phát triển nhà ở xã hội theo hướng đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung, bảo đảm văn minh, hiện đại.