Xử nghiêm gian lận đo lường
Luật Tố cáo cần quy định rõ trách nhiệm bảo vệ và bảo đảm bí mật cho người tố cáo
Ngày 18-11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đo lường, hầu hết đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đề nghị cần có chế tài đủ mạnh để xử thật nghiêm, ngăn ngừa hữu hiệu tình trạng gian lận cân, đong, đo, đếm rất phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay.
Theo ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), người tiêu dùng ngày càng chịu nhiều áp lực vì vi phạm về đo lường trong mua bán xăng dầu, vàng, điện, nước, hàng đóng gói sẵn ngày càng tinh vi. Bà Tuyết đề xuất cần quy định chặt chẽ về chế tài xử phạt, tăng cường số lượng thanh tra và phân cấp cho địa phương...
ĐB Rcom Sa Duyên (Gia Lai) tán đồng: “Phải phạt người gian dối gấp 5 lần số tiền có được do gian lận. Thậm chí, vi phạm nghiêm trọng hơn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. ĐB Võ Thị Dễ (An Giang) cương quyết hơn: “Nên phạt gấp 7 lần. Nếu tái phạm, cần rút giấy phép, cấm kinh doanh vĩnh viễn. Ngoài ra, cần thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết”.
ĐB Trương Xuân Quý (Tuyên Quang) cho biết năm 2006, các chi cục đo lường chất lượng chỉ kiểm định được 6% trong 28 triệu phương tiện cần kiểm định vì hiện Nhà nước cho phép bên bán được tự kiểm định thiết bị. Điều này là bất cập vì đầu tư rất lớn cho các chi cục đo lường chất lượng nhưng những nơi này lại không có việc làm, quan trọng hơn là quyền lợi người tiêu dùng không được bảo đảm. Ngành điện tự kiểm định đến 5,6 triệu phương tiện đo. Đáng chú ý là đối với trường hợp sử dụng công tơ điện tử, khách hàng không thể đọc chỉ số điện tiêu dùng nên không thể tự kiểm tra, phát hiện nếu bị gian lận tiền điện.
- Cùng ngày, QH đã thảo luận về dự án Luật Tố cáo. Xuất phát từ nhiều vụ việc trong thực tế là người tố cáo bị trù úm, trả thù, đa số ý kiến ĐB đề nghị luật phải quy định rõ trách nhiệm bảo vệ và bảo đảm bí mật cho người tố cáo.
Một số ĐB cho rằng thời gian qua, có nhiều người tố cáo không dám ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình vì sợ sẽ bị trù dập, trả thù do pháp luật chưa có quy định cụ thể cơ chế bảo vệ người tố cáo. Do đó, dự luật cần có một chương quy định việc bảo vệ người tố cáo. Theo nhiều ĐB, đây là một nội dung hết sức quan trọng nhằm giúp người tố cáo tin tưởng vào sự đúng đắn, công minh của pháp luật, giúp họ quan tâm và mạnh dạn phản ánh những việc làm sai trái của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, góp phần hạn chế đơn thư tố cáo nặc danh....
Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề nghị luật cần có cơ chế thích hợp để tiếp nhận, giải quyết đơn thư mà người tố cáo không dám đứng tên hoặc đề nghị giấu tên nhưng có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng quy định bảo vệ người tố cáo như dự luật là bất khả thi, từ kinh phí, nhân lực đến chủ thể thực hiện. Vì vậy, theo một số ĐBQH, phải xác định rõ cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo. Theo ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), nếu không bảo vệ được người tố cáo mà họ lại bị thiệt hại, Nhà nước cần có chính sách bồi thường cho họ.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20101119031535426p0c1002/xu-nghiem-gian-lan-do-luong.htm