Xử phạt cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng giả hơn 76 triệu đồng

Sở Y tế An Giang cho biết, vừa xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở sản xuất- kinh doanh (SXKD) thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đặng Thiên Phúc (lô 3, đường số 8, khóm Bình Khánh 5, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên), do ông Đặng Phước An (sinh năm 1979) làm chủ số tiền hơn 76 triệu đồng, với 4 hành vi nghiêm trọng liên quan sản xuất thực phẩm chức năng giả và trộn tân dược.

Sản phẩm thực phẩm chức năng được phát hiện vi phạm, buộc thu hồi

Phát hiện, xử lý nghiêm

Thực hiện chương trình kiểm tra hàng năm của Sở Y tế và theo dư luận nhân dân, ngày 22-8-2019, Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra Cơ sở SXKD thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đặng Thiên Phúc. Qua kiểm tra phát hiện vi phạm 4 hành vi: sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh sản phẩm có chỉ tiêu không đạt độ nhiễm khuẩn; hàng hóa có nhãn không đúng quy định; sản xuất hàng hóa không có giấy chứng nhận sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Quá trình kiểm tra, đoàn tiến hành lấy mẫu 2 sản phẩm: “Thấp khớp cốt thống hoàn” và “Cốt thống ký sanh hoàn”. Kết quả kiểm nghiệm phát hiện có sử dụng hóa chất không được phép sử dụng: “Thấp khớp cốt thống hoàn” có trộn tân dược Paracetamol và “Cốt thống ký sanh hoàn” có trộn 2 loại tân dược Paracetamol và Dexamethasone acetat.

Với các hành vi trên, ngày 27-8-2019, Sở Y tế căn cứ Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1-11-2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa xử phạt Cơ sở SXKD thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đặng Thiên Phúc hơn 76 triệu đồng với các hành vi: sử dụng nguồn nguyên liệu để sản xuất, chế biến thực phẩm không rõ xuất xứ; sử dụng hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm; buôn bán sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm thuộc diện đăng ký công bố sản phẩm có ít nhất 1 trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp mức công bố giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật; sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo lộ trình quy định của pháp luật...

Sở Y tế buộc cơ sở đình chỉ hoạt động sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe 2 tháng kể từ ngày ký quyết định. Đồng thời, buộc cơ sở thu hồi, tiêu hủy số thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã vi phạm theo quy định.

Sau khi bị xử phạt, ông An đã nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt. Ngày 29-8-2019, Cơ sở SXKD thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đặng Thiên Phúc đã nộp phạt số tiền hơn 76 triệu đồng.

Cảnh báo tình trạng trộn tân dược lừa người bệnh

Hiện nay, sự phát triển “thần tốc” của thị trường thực phẩm chức năng kéo theo nhiều hệ lụy. Lợi dụng tâm lý của nhiều người thích sử dụng các loại thuốc đông dược vì dễ uống, dược liệu ít tác dụng phụ… một số cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền “dỏm” đã lén lút trộn thêm các loại tân dược vào để tăng hiệu quả tức thời, nhưng nguy hiểm cho sức khỏe, như: thang thuốc trị cảm cúm (cho thêm paracetamol), trị bệnh khớp (trộn các thuốc chống viêm corticoid như dexamethasone, prednisolone...).

Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã phát hiện nhiều vi phạm, cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sản phẩm chức năng chứa các thành phần không được công bố trên nhãn và không đúng với hồ sơ công bố sản phẩm; tình trạng pha trộn dược chất tân dược trái phép vào sản phẩm... tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. Đã có một số trường hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng...

Nhìn cảm quan người tiêu dùng rất khó nhận biết đâu là thật, đâu là giả bởi được sản xuất, đóng gói, in ấn rất tỉ mỉ. Như hành vi sai phạm trên: viên “Thấp khớp cốt thống hoàn” được làm viên nang cứng, màu đỏ, ép vỉ 10 khuôn, mỗi khuôn 2 viên. Gói “Cốt thống ký sanh hoàn” làm viên cứng màu nâu, đóng gói nhôm, hộp 50 gói. 2 loại đều có in nhãn bên ngoài với gần chục công dụng: bổ can thận, mạnh gân cốt, hỗ trợ điều trị phong tê thấp, đau nhức xương khớp... Phía sau 2 loại này ghi thành phần gồm 11 loại thuốc nam dược như: độc hoạt, ngưu tất, tục đoạn, đỗ trọng, xuyên khung, đương quy... còn được in 3 ngôn ngữ tiếng Việt và nước ngoài. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm trong mỗi gói “Cốt thống ký sanh hoàn” có trộn 147,076mg Paracetamol và 1,690mg Dexamethasone acetat, trong 2 viên “Thấp khớp cốt thống hoàn” có trộn 62,129mg Paracetamol.

Theo các bác sĩ, việc trộn các hoạt chất có tác dụng dược lý mạnh của tân dược vào các dạng bào chế đông dược, thực phẩm chức năng... nhằm tạo ra những hiệu quả tức thời cho người bệnh. Tuy nhiên, di chứng về sau cho sức khỏe hết sức nặng nề. Người dân chỉ nên mua thuốc đông dược của những cơ sở nhà nước, bệnh viện y học cổ truyền uy tín, có giấy phép sản xuất. Để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, ngành y tế cần tăng cường lấy mẫu kiểm tra, xử nghiêm các trường hợp vi phạm và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân tránh sử dụng, gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng, thậm chí tử vong.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/xu-phat-co-so-san-xuat-thuc-pham-chuc-nang-gia-hon-76-trieu-dong-a253424.html